Hiện nay, số ca bệnh mắc chân tay miệng ngày càng tăng cao và đáng báo động trên toàn xã hội, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Việc trang bị những thông tin về bệnh tay chân miệng cũng như phương pháp điều trị và phòng ngừa là vô cùng cần thiết đối với các bậc phụ huynh để có những biện pháp xử lý kịp thời khi không may con em mình nhiễm bệnh.
Mục lục
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là bệnh gây ra bởi virus và dễ lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ vào khoảng tháng 9 – 12 và tháng 3 – 5 hàng năm, bởi đây là giai đoạn thời tiết biến đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển mạnh.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, tổn thương da dưới dạng nốt ban đỏ, mụn nước xuất hiện nhiều ở bàn tay, bàn chân, bên trong miệng, mông, đầu gối,… Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ và hết bệnh trọng khoảng từ 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nhanh, nặng và gây ra biến chứng nguy hiểm. Do vậy, cha mẹ cần hết sức cảnh giác, sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh để điều trị đúng cách và kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ được xác định là do nhóm virus đường ruột gây ra. Trong đó, điển hình là 2 tác nhân Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus trú ngụ chủ yếu tại niêm mạc má hoặc ruột sau đó di chuyển đến các hạch bạch huyết và đi vào máu, cuối cùng chúng trú ngụ tại các nốt mụn nước trên niêm mạc miệng và da.
Trong 2 nhóm tác nhân gây bệnh, bệnh gây ra do Coxsackievirus A16 xảy ra phổ biến hơn với những biểu hiện nhẹ, thường tự khỏi và ít gây biến chứng nguy hiểm. Ngược lại, bệnh gây ra do virus Enterovirus 71 thường có biểu hiện nặng hơn và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay chân miệng
Nhận biết sớm bệnh tay chân miệng có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh và phòng ngừa lây lan. Bệnh thường tiến triển qua 4 giai đoạn và có những dấu hiệu đặc trưng dưới đây:
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn ủ bệnh, trẻ thường chưa có xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, do vậy cha mẹ thường khó nhận biết. Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần, tính từ lúc virus bắt đầu xâm nhập vào cơ thể đến lúc khởi phát triệu chứng đầu tiên.
Giai đoạn khởi phát
Khi sang đến giai đoạn khởi phát, trẻ có thể có biểu hiện sốt nhẹ kèm theo một số triệu chứng giống với cảm cúm như đau họng, sổ mũi, tăng tiết nước bọt, chán ăn, tiêu chảy,… Các triệu chứng này thường không đặc trưng nên cha mẹ thường nhầm lẫn với các bệnh lý viêm đường hô hấp khác.
Giai đoạn toàn phát
Đến giai đoạn toàn phát, trẻ đã xuất hiện những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng như:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao: Trẻ có biểu hiện sốt từ 38 – 39 độ C, khi sốt trẻ thường có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, nôn, khó chịu và quấy khóc nhiều.
- Loét miệng: Ban đầu, trên niêm mạc miệng, lưỡi, nướu, vòm họng xuất hiện các đốm đỏ, sau một thời gian đốm đỏ tiến triển thành các nốt mụn nước, phồng rộp, vết loét… gây đau rát, khó chịu, ăn không ngon, bỏ ăn,…
- Phát ban da: Trẻ xuất hiện các nốt đỏ hồng trên da với đường kính từ 2 – 3 mm, chúng có thể chìm hoặc nổi gồ lên trên bề mặt da. Các nốt đỏ trên da cũng có thể tiến triển thành các nốt mụn nước, trong chứa đầy dịch và virus gây bệnh. Các nốt ban đỏ thường xuất hiện nhiều nhất ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, quanh miệng, đầu gối, mông, khuỷu tay,…
Giai đoạn lui bệnh
Giai đoạn lui bệnh thường xuất hiện sau 3 – 5 ngày, hầu hết trẻ hồi phục hoàn toàn và không để lại biến chứng.
Ngoài các dấu hiệu kể trên, trẻ bị tay chân miệng còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như bỏ ăn, ăn kém, quấy khóc nhiều, nằm li bì, đi loạng choạng, hay giật mình, khó thở, hôn mê,… Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đang tiến triển nặng, cha mẹ cần lưu ý và chủ động đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn chăm sóc điều trị đúng cách.
Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Như đã đề cập ở trên, bệnh tay chân miệng thường diễn biến nhẹ và tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày và không để lại di chứng. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, bệnh có nhiều tiến triển phức tạp và gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu nên bệnh tay chân miệng vẫn luôn là nỗi lo ngại của rất nhiều cha mẹ.
Một số biến chứng có thể gặp khi trẻ mắc bệnh chân tay miệng là:
- Mất nước: Thường liên quan đến sốt cao, tiêu chảy, nôn, vã mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước. Nếu không bù đủ nước cho cơ thể thì có thể dẫn đến sốc, ngất xỉu,…
- Biếng ăn, bỏ ăn: Các vết lở loét xuất hiện trên niêm mạc lưỡi, môi, nướu, vòm miệng,… gây đau đớn, khiến trẻ không dám ăn thức ăn, do vậy trẻ thường bỏ ăn, uống,… lâu dần có thể dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất.
- Viêm màng não: Một số trường hợp, virus có thể xâm nhập vào màng não và dịch não tủy gây viêm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể đe dọa tính mạng của trẻ do gây suy hô hấp nặng, phù não,…
- Liệt chi: Cơ thể yếu, liệt mềm một hoặc nhiều chi do virus xâm nhập gây tổn thương thần kinh.
- Bệnh tim mạch: Bệnh chân tay miệng cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch và hô hấp. Nếu trẻ không được điều trị đúng cách, trẻ có thể bị viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch,…
☛ Tìm hiểu thêm: Các di chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng có lây không?
Tay chân miệng đang trở thành nỗi lo chung của các gia đình cũng như toàn xã hội bởi các triệu chứng đa dạng và biến chứng nặng nề của bệnh. Đáng lưu ý, bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa và hô hấp. Cụ thể là:
- Dịch tiết mũi hoặc họng (nước bọt, đờm,…)
- Dịch lỏng bên trong các mụn nước
- Giọt bắn trong không khí sau khi ho hay hắt hơi
- Chất thải từ người bệnh
- Các bề mặt, dụng cụ mà người bệnh tiếp xúc như đồ chơi, tay nắm cửa,…
Khả năng lây lan diễn ra nhanh nhất vào khoảng tuần đầu tiên sau khi nhiễm virus. Tuy nhiên, sau khi lui bệnh, virus vẫn tồn tại trong cơ thể nhiều tuần (kể cả khi không còn triệu chứng bệnh) và vẫn có khả năng lây lan sang người khác.
Bệnh tay chân miệng có xu hướng lây lan nhanh thành dịch. Khi có trẻ mắc bệnh, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, những trẻ xung quanh thường có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
☛ Đọc thêm: Bệnh chân tay miệng có phải kiêng gió không?
Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ như thế nào?
Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hầu hết trẻ mắc bệnh điều trị với mục tiêu làm giảm triệu chứng và áp dụng các biện pháp điều trị tích cực để duy trì chức năng sống còn đối với trường hợp nặng.
Đối với trường hợp nhẹ, tức là có loét miệng, phát ban da, có hoặc không kèm theo sốt và không có những dấu hiệu nghiêm trọng, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc điều trị tại nhà như sau:
Điều trị triệu chứng sốt
Nếu trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ có thể áp dụng biện pháp chườm ấm ở các vị trí như cổ, nách, bẹn,… kết hợp với cho trẻ uống thuốc hạ sốt không kê đơn như Paracetamol (liều 10 – 15 mg/kg, mỗi 4 – 6 giờ, không dùng quá 4 lần một ngày).
Ngoài ra, sốt cao thường đi kèm mất nước, nên cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước. Có thể cho trẻ uống dung dịch Oresol để bù đủ nước và điện giải cho cơ thể, ngăn ngừa sốc do mất nước.
Vệ sinh cơ thể và đồ dùng cá nhân
Vệ sinh cơ thể và đồ dùng cá nhân cho trẻ là biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bội nhiễm và phòng ngừa lây lan bệnh sang những người khác.
Vệ sinh răng miệng:
+ Đối với trẻ lớn, cha mẹ có thể cho trẻ tự súc miệng nước muối sinh lý để làm sạch khoang miệng, đồng thời ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
+ Đối với trẻ nhỏ chưa thể tự súc miệng, cha mẹ có thể dùng gạc sạch thấm ướt bằng nước muối sinh lý và vệ sinh nhẹ nhàng răng, nướu, góc má, vòm miệng, lưỡi,… cho bé. Tuy nhiên, cần lưu ý thực hiện nhẹ nhàng tránh làm vỡ các mụn nước và khiến tổn thương trở nên trầm trọng hơn.
Vệ sinh thân thể:
Vệ sinh thân thể cho bé bằng cách tắm cho trẻ bằng nước sạch hoặc xà phòng sát khuẩn. Sau khi tắm, cha mẹ có thể cho trẻ bôi dung dịch sát khuẩn Betadin 3% để phòng ngừa nhiễm trùng da.
Vệ sinh các vật dụng cá nhân:
Các đồ dùng của trẻ như quần, áo, tã lót,… nên được để riêng và giặt sạch bằng xà phòng, có thể ngâm trong dung dịch sát khuẩn như Cloramin B. Ngoài ra, các đồ dùng cá nhân như bát, đũa, bình sữa,… của trẻ mắc bệnh cần tráng nước sôi sau khi dùng, đồng thời để riêng tránh để chung với đồ dùng của mọi người trong gia đình.
Chăm sóc dinh dưỡng
Chăm sóc dinh dưỡng giúp bổ sung các dưỡng chất và vi chất thiết yếu cho cơ thể trẻ, từ đó giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, đủ sức chống chọi lại bệnh tật. Cha mẹ cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị tay chân miệng như sau:
- Trường hợp trẻ còn bú mẹ, vẫn cho trẻ tiếp tục ăn sữa mẹ. Tuy nhiên, mẹ nên vắt sữa ra bình sau đó đút cho trẻ ăn bằng thìa do trẻ không thể bú mẹ như bình thường.
- Đối với các trẻ lớn, nên cho trẻ ăn đầy đủ và đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức.
- Ưu tiên những thực phẩm mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa, hạn chế ăn thực phẩm cứng để tránh cọ xát làm vỡ các mụn nước trong miệng.
- Bổ sung các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản,… để cung cấp dưỡng chất, đồng thời bổ sung sắt và kẽm giúp cơ thể nâng cao hệ miễn dịch.
- Bổ sung cho trẻ nhiều vitamin và khoáng chất từ rau xanh, trái cây tươi,… để hỗ trợ phục hồi và làm lành các tổn thương, củng cố hệ miễn dịch.
- Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn có tính cay nóng, nhiều dầu mỡ,…
Theo dõi diễn biến bệnh
Ngoài việc áp dụng các biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ cũng cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ có xuất hiện các biểu hiện bất thường như sốt cao kéo dài không đáp ứng với thuốc hạ sốt, quấy khóc nhiều, giật mình liên tục, li bì, mệt mỏi, run tay chân, khó thở,… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ xử lý kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ
Hiện nay, mặc dù chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng nhưng các gia đình vẫn có thể chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân: Cả người lớn và trẻ nhỏ cần thực hiện giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Ăn uống đảm bảo vệ sinh: Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, các vật dụng trong nhà bếp cũng nên được vệ sinh thường xuyên. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi,….
- Làm sạch môi trường sống: Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, đặc biệt là những nơi thường xuyên tiếp xúc như bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà, cầu thang, tay nắm cửa,…
- Theo dõi, phát hiện sớm: Thường xuyên chú ý đến sức khỏe của bé để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để kịp thời chăm sóc và điều trị, hạn chế lây lan bệnh sang người khác.
- Cách ly trẻ: Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học ở nhà đồng thời cách ly trẻ với những trẻ khác ít nhất 10 ngày để hạn chế lây lan. Đồng thời báo với cơ sở y tế, trường học để có biện pháp vệ sinh các bề mặt mà trẻ tiếp xúc để giảm nguy cơ mắc bệnh cho các trẻ khác.
Trên đây là tất tần tật những thông tin liên quan đến bệnh tay chân miệng. Mặc dù đây là bệnh lý phổ biến và không gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan. Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để được tư vấn điều trị đúng cách.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hand-foot-and-mouth-disease/symptoms-causes/syc-20353035
- https://www.nhs.uk/conditions/hand-foot-mouth-disease/