Chào chuyên gia!
Bé nhà tôi đang mắc bệnh tay chân miệng, tôi có một thắc mắc muốn hỏi “bệnh tay chân miệng có bị tiêu chảy không?” và cách xử lý thế nào? Rất mong được chuyên gia giải đáp. Tôi cảm ơn.
Chị Hoa – 34 tuổi
Chào chị Hoa, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với trường hợp của bé nhà chị, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Mục lục
Bệnh chân tay miệng có bị tiêu chảy không?
Chân tay miệng là bệnh lây nhiễm do các loại virus thuộc họ Enterovirus, thường là Coxsackie A16 kí sinh ở đường ruột và có thể gây ra các triệu chứng bất thường như nôn mửa hoặc tiêu chảy. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có những biểu hiện phổ biến như sốt, viêm họng, loét miệng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân.
Khi virus phát triển và tấn công vào dạ dày, ruột sẽ khiến trẻ đau bụng, quấy khóc, gây ra các triệu chứng ói mửa, làm tăng tiết dịch ở ruột gây tiêu chảy. Tiêu chảy không phải là triệu chứng chính của bệnh tay chân miệng, tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ cũng có thể gặp phải tình trạng này.
Sau khi trẻ khỏi bệnh tay chân miệng thì tiêu chảy cũng sẽ khỏi luôn. Trong trường hợp bé bị tiêu chảy sau khi mắc tay chân miệng từ 2-3 ngày thì đây là bệnh mới, phụ huynh cần phải tìm hiểu nguyên nhân để chữa trị cho trẻ.
Các triệu chứng thường gặp khác của bệnh
Dưới đây là các triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng giúp cha mẹ phát hiện bệnh sớm hơn và có biện pháp điều trị kịp thời
Sốt
Khi mắc tay chân miệng, sốt sẽ là triệu chứng đầu tiên gặp phải. Chúng thường khởi phát trong khoảng từ 3-5 ngày sau khi trẻ bị nhiễm virus. Hầu hết trẻ sốt nhẹ ở mức 37,5 – 38 độ C, đôi khi sốt cao ở mức 38 – 39 độ C. Tuy nhiên cũng có nhiều trẻ không có dấu hiệu sốt.
Viêm họng
Trẻ có cảm giác ngứa họng, khô họng, nóng rát ở cổ họng. Đây là triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc tay chân miệng.
Tuy nhiên đây cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh trở nên nặng hơn, vì thế cha mẹ cần phải theo dõi xem các triệu chứng tiến triển thế nào để đưa ra các biện pháp điều trị.
Xuất hiện vết phồng rộp
Các vết phồng rộp xuất hiện đơn lẻ và theo cụm, gây ngứa hoặc đau. Khi nhìn kĩ sẽ trong vết mụn nước có chất lỏng dưới biểu bì, có thể là mủ, máu hoặc huyết thanh. Cha mẹ không nên để trẻ làm vỡ các vết mụn nước này bởi sẽ gây nhiễm trùng và lây lan nhiều hơn.
Loét miệng, phát ban thành mụn nước
Các vết loét miệng hoặc mụn nước rất nhỏ, có đường kính khoảng 2-5mm và mọc nhiều ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi khiến trẻ bị đau miệng gây chảy nhiều dãi, trẻ biếng ăn, bỏ bú. Ngoài ra, các vết mụn nước còn xuất hiện ở họng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông,…
Trẻ biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc
Các vết loét miệng khiến trẻ biếng ăn, lười ăn làm cho sức khỏe suy giảm, từ đó trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Các vết mụn nước phồng rộp gây ngứa và đau làm cho trẻ cáu kỉnh, quấy khóc.
Phát ban trên da
Cha mẹ sẽ thấy nổi những các vết ban đỏ ở trên da của trẻ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối hoặc mông. Các vết ban này chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn dưới 7 ngày. Chúng không gây ngứa hay đau, rất hiếm khi loét nhưng sẽ để lại các vết thâm.
☛ Xem thêm: Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Cách xử lý khi trẻ mắc chân tay miệng bị tiêu chảy
Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn hoặc cho uống Oresol để bù nước, tránh tình trạng trẻ bị mất nước do tiêu chảy. Còn đối với trẻ lớn hơn, mẹ cho uống thêm nhiều nước lọc, uống Oresol bù nước và điện giải, nước hoa quả. Đồng thời cần phải điều trị song song với các triệu chứng khác của bệnh chân tay miệng để mau khỏi hơn.
Ngoài việc bổ sung nước để tránh trẻ bị mất nước, thì bổ sung dinh dưỡng trong thời điểm này cũng vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên cho trẻ ăn đủ các nhóm đạm, chất béo, tinh bột và chất xơ để tăng cường sức đề kháng cho bé. (Đọc thêm bài: Thực phẩm cho trẻ kém hấp thụ)
Bên cạnh đó, trẻ bị chân tay miệng gây tiêu chảy sẽ lười ăn hơn bình thường. Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau ít nhất 2-3 tiếng để trẻ cảm thấy đói.
Khi nào trẻ cần gặp bác sĩ?
Bệnh tay chân miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ rất dễ gây biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu có những biểu hiện sau:
- Trẻ dưới 6 tháng có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.
- Trẻ khóc quấy kéo dài: Trẻ hay khóc quấy vào ban đêm, ngủ không sâu giấc, cứ khoảng 15 – 20 phút lại tỉnh. Cha mẹ lưu ý bởi đây có thể là dấu hiệu của biến chứng thần kinh.
- Tre sốt cao không hạ: Trẻ sốt cao từ 39 độ C trở lên và kéo dài liên tiếp 3 ngày dù đã uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ.
- Trẻ dễ giật mình: Có thể đây là dấu hiệu cảnh báo nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.
- Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng không thuyên giảm mà trở nên nặng hơn sau 10 ngày.
- Trẻ đã khỏi bệnh tay chân miệng nhưng vẫn bị tiêu chảy sau 2 ngày.
Lời kết
Qua bài viết trên, hy vọng chị Hoa đã có thể giải đáp được thắc mắc “bệnh tay chân miệng có bị tiêu chảy không?” và biết được cách xử lý khi trẻ mắc bệnh. Nếu thấy trẻ có những triệu chứng bất thường thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Chúc bé mau khỏe!