Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nên uống kháng sinh không? là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh khi con nhỏ đang mắc bệnh chân tay miệng. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, cha mẹ hãy dành ít phút theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Hiểu về bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ nhỏ, bệnh có xu hướng bùng phát mạnh mẽ thành dịch. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh chân tay miệng, tuy nhiên đối tượng trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện, chưa đủ khả năng chống chọi lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân chính gây bệnh tay chân miệng được xác định là do 2 loại virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Virus có thể lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác qua đường hô hấp, tiêu hóa, do tiếp xúc với các chất tiết từ mụn nước, phân, hay nước bọt của trẻ mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng thường diễn tiến qua 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh tính từ thời điểm virus gây bệnh bắt đầu xâm nhập vào cơ thể. Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 – 7 ngày tùy theo sức đề kháng của từng trẻ.
- Giai đoạn khởi phát: Sau giai đoạn ủ bệnh, trẻ sẽ khởi phát một số triệu chứng ban đầu như sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc, ăn không ngon, chán ăn,…
- Giai đoạn toàn phát: Sau khoảng 2 – 3 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu, trẻ có thể xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc mụn nước ở một số vùng da trên cơ thể như lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, lưỡi, mông, khuỷu tay, đầu gối,… Đặc biệt, các vết loét xuất hiện trong miệng khiến trẻ cảm thấy vô cùng đau rát, khó chịu dẫn đến bỏ ăn, biếng ăn,…
- Giai đoạn lui bệnh: Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể hồi phục sau 7 – 10 ngày và không để lại biến chứng nguy hiểm.
☛ Đọc thêm: 3 dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng có nên uống kháng sinh không?
Rất nhiều bậc cha mẹ đặt ra câu hỏi: “Trẻ bị bệnh tay chân miệng có nên uống kháng sinh không”. Liên quan đến vấn đề này, các bác sĩ nhi khoa cho biết, dùng kháng sinh là không cần thiết ở trẻ bị tay chân miệng.
Nguyên nhân là do kháng sinh chỉ có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Mà bệnh tay chân miệng được xác định là do virus gây ra, không phải là vi khuẩn nên kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng. Do vậy, khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể vô tình dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, rất nguy hiểm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của trẻ sau này.
Khi nào trẻ bị tay chân miệng cần dùng kháng sinh?
Trên thực tế, một số trường hợp trẻ bị tay chân miệng có thể được bác sĩ chỉ định kháng sinh. Đó là các trường hợp xảy ra bội nhiễm ở các vết loét, hoặc xuất hiện các biến chứng như viêm màng não do nhiễm khuẩn,…
Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ một số loại kháng sinh như amoxicillin, ampicillin, cephalexin, erythromycin,…
Trẻ bị tay chân miệng nên uống thuốc gì?
Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Việc điều trị chủ yếu là cải thiện triệu chứng bệnh, đồng thời hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ. Dưới đây là một số thuốc có thể được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho trẻ bị tay chân miệng:
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Đối với các trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol (liều 10 – 15 mg/kg, mỗi 4 – 6 giờ, một ngày không dùng quá 4 lần). Nếu trẻ sốt cao và đau nhiều, cha mẹ có thể dùng ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc hạ sốt, cha mẹ có thể kết hợp các biện pháp khác giúp hạ sốt cho trẻ như chườm ấm vùng cổ, nách, bẹn,…
Dung dịch bù nước và điện giải
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, vã mồ hôi nhiều có thể dẫn đến tình trạng mất nước. Do vậy, cha mẹ nên chú ý bổ sung nước và điện giải cho trẻ. Bên cạnh việc cho trẻ uống nhiều nước hơn, cha mẹ có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung cho trẻ dung dịch bù nước, điện giải như oresol, hydrite,…
Dung dịch sát khuẩn
Một số dung dịch sát khuẩn có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn ở các vết loét lớn khi trẻ bị tay chân miệng. Bác sĩ có thể hướng dẫn cha mẹ dùng một số dung dịch như nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), betadin súc họng,… Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự ý mua các loại thuốc sát khuẩn khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ. ☛ Tham khảo: 6 loại dung dịch sát khuẩn an toàn cho bé
Một số loại thuốc khác
Việc tăng đề kháng cho trẻ trong khi đang mắc bệnh tay chân miệng là việc hết sức cần thiết. Cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ các vi chất dinh dưỡng, như vitamin C, vitamin A, vitamin nhóm B, kẽm,… giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch, cơ thể tăng sức đề kháng chống chọi với bệnh tật.
Lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ bị tay chân miệng
Khi sử dụng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ tại nhà, cha mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ vì có thể gây hội chứng Reye rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Không dùng thuốc bôi chứa corticoid cho trẻ vì có thể gây suy giảm miễn dịch và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Một số loại thuốc kháng virus như acyclovir không có tác dụng đối với virus gây bệnh tay chân miệng nên không cần thiết sử dụng.
- Trong quá trình dùng thuốc điều trị tay chân miệng, nếu trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường, hoặc các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi: ”Trẻ mắc bệnh chân tay miệng nên uống kháng sinh không?”. Việc dùng thuốc điều trị cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ, tránh để tiền mất tật mang.