Dịch bệnh tay chân miệng ở miền Nam đang có những diễn biến vô cùng phức tạp và có tốc độ lây lan chóng mặt. Để biết thêm các thông tin về triệu chứng, nguyên nhân cũng như các biện pháp khắc phục, bố mẹ hãy cùng NoriKid Plus tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Những kiến thức cơ bản này sẽ giúp phụ huynh chăm sóc trẻ tốt hơn.
Mục lục
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có triệu chứng chính là sốt và xuất hiện nổi mụn nước tập trung trong lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng.
Bệnh tay chân miệng thường ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ em ở nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trong các cơ sở tập trung nhiều trẻ em có nguy cơ cao bị lây nhiễm. Bởi căn bệnh này lây qua đường tiếp xúc với những người mắc bệnh. Đặc biệt, trẻ nhỏ là nhóm người dễ bị nhiễm bệnh nhất.
Trẻ em khi trưởng thành thường phát triển miễn dịch với bệnh tay chân miệng do đã tạo ra các kháng thể sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Tuy nhiên, thanh thiếu niên và người lớn vẫn có khả năng cao mắc bệnh này.
Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng
Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là do nhóm virus sống ở đường ruột. Virus Coxsackie A16 (CV A16) là tác nhân gây nhiễm khuẩn phổ biến nhất trong bệnh tay chân miệng, trong khi virus Enterovirus 71 (EV71) thì ít phổ biến hơn.
Dù vậy, các triệu chứng lâm sàng của bệnh này không hề khác nhau, bất kể là loại virus gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm Enterovirus 71 có khả năng gây ra các biến chứng hiếm gặp như viêm màng não do virus, viêm não hoặc tổn thương cơ tim.
Triệu chứng tay chân miệng miền Nam
Bệnh tay chân miệng ở miền Nam thường phổ biến vào mùa xuân và mùa thu, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày, đây là khoảng thời gian từ khi bị nhiễm đến khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường bao gồm:
- Sốt đi kèm với đau họng.
- Trẻ biếng ăn và khó chịu.
- Mụn nước có thể xuất hiện trên tay, chân, miệng, lưỡi, bên trong má và đôi khi ở vùng mông (thường do tiêu chảy gây ra). Mụn nước ở trẻ em rất ít khi gây ngứa, nhưng đối với người lớn sẽ gây ngứa nghiêm trọng.
Thông thường, các vết loét và mụn nước tự lành trong khoảng một tuần hoặc lâu hơn. Bệnh tay chân miệng thường khá nhẹ và chỉ gây sốt trong vài ngày, đồng thời các dấu hiệu và triệu chứng cũng tương đối nhẹ.
Tuy nhiên, nếu vết loét trong miệng hay tình trạng đau họng làm trẻ không thể uống nước hoặc nếu các dấu hiệu và triệu chứng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn sau vài ngày, bố mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện nhanh chóng và điều trị kịp thời.
Tại sao dịch tay chân miệng ở miền Nam tăng nhanh và nguy hiểm?
Dịch tay chân miệng đang tăng lên ở khu vực phía Nam và một trong những nguyên nhân chính là chủng Enterovirus 71 (EV71) với tốc độ lây lan nhanh chóng.
Trong một buổi họp trực tuyến với 20 tỉnh phía Nam về phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng ngày 23/6, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng (Viện phó Pasteur TP HCM) cho biết khu vực đã ghi nhận 7 trẻ tử vong, trong đó có:
- 5 ca do chủng EV71.
- 2 ca bệnh còn lại chưa có kết quả xét nghiệm.
- So với cùng kỳ năm trước, phía Nam đã ghi nhận hai trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Trước đó, Viện Pasteur TP HCM đã phát hiện chủng EV71 bùng phát trở lại từ tháng 4 sau gần hai năm không ghi nhận. Tỷ lệ nhiễm EV71 đang ngày càng tăng trong các mẫu xét nghiệm của các trường hợp nặng. Chủng virus này khiến nhiều người trở nặng và có nguy cơ tử vong cao hơn so với các tác nhân khác.
Dự báo của TS.BS Nguyễn Vũ Thượng về diễn biến dịch bệnh
Ông Thượng đã dự báo trong thời gian tới, EV71 có thể chiếm ưu thế và gây ra nhiều dịch bệnh. Chủng virus này cũng là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018, theo chu kỳ vài năm một lần.
Bên cạnh chủng virus nguy hiểm tái xuất, bác sĩ Thượng cũng cho rằng tình hình dịch bệnh đang tăng nhanh và có thể phức tạp hơn do tay chân miệng thường ảnh hưởng đến nhóm trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, đặc biệt khi nhóm này đang tham gia học hè.
Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa ở trẻ sống và sinh hoạt cùng nhau tại nhà trẻ. Khi số ca mắc tăng lên, số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng theo quy luật của các bệnh truyền nhiễm.
Nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh tay chân miệng ở miền Nam tăng cao
Có một nguyên nhân khác làm tăng tỷ lệ bệnh nặng và tử vong ở miền Nam là sự thiếu rõ ràng trong việc phân định các trường hợp bệnh, gây ảnh hưởng đến khả năng đánh giá và điều trị kịp thời. Điều này cũng gây khó khăn trong việc hạn chế trường hợp chuyển nặng và chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt, đối với trẻ em mắc chủng EV71, có tỷ lệ nhất định tiến triển các biểu hiện thần kinh như viêm não, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Theo ông Thượng cho biết, khoảng 80% người lớn mắc tay chân miệng không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể truyền bệnh cho trẻ em và là nguồn lây chính. Việc này làm cho việc phòng ngừa cũng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, với mật độ dân số cao, điều kiện sống chật chội, phương tiện đi lại, giao lưu tấp nập, thiếu vệ sinh và nguồn nước sạch hạn chế cho sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa, khí hậu nóng ẩm của miền Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh.
Cho đến nay, khu vực phía Nam đã ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc tay chân miệng, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ ca mắc tăng cao từ cuối tháng 4 cho đến nay. Cụ thể:
- Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (nơi tiếp nhận bệnh nhi từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), đã điều trị gần 400 trường hợp mắc tay chân miệng trong hai tuần đầu tháng 6. Trong tháng 5, có 490 trường hợp, tăng 140% so với tháng 4.
- Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Cà Mau, An Giang, Kiên Giang và các địa phương khác.
Cách khắc phục dịch bệnh tay chân miệng ở miền Nam
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Cục trưởng Y tế Dự phòng Phan Trọng Lân đã yêu cầu các địa phương tăng cường tập huấn, nâng cao khả năng phòng ngừa, điều trị và theo dõi tình hình dịch, đồng thời đề xuất các giải pháp kịp thời.
Ông Lân nhấn mạnh: “Đặc biệt lưu ý tập huấn các phòng khám tư nhân trong phát hiện, xử trí sớm ca bệnh, bởi một số cơ sở chưa quan tâm đến bệnh này để có chẩn đoán kịp thời, từ đó điều trị sớm nhằm hạn chế biến chứng và tử vong”.
Ngoài việc đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, cần tăng cường truyền thông trong cộng đồng và trường học về những dấu hiệu sớm của bệnh. Viện Pasteur TP HCM cùng với ngành y tế phía Nam tiếp tục theo dõi phòng xét nghiệm để cảnh báo và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh kịp thời, hiệu quả.
Đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vaccine điều trị, do đó cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản là tuân thủ ba nguyên tắc vệ sinh, bao gồm:
- Vệ sinh ăn uống.
- Vệ sinh môi trường sống.
- Vệ sinh cá nhân.
Bố mẹ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn, bế trẻ, sau khi thay tã và vệ sinh cho bé.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như viêm họng, hồng ban hay xuất hiện nốt phồng nước trên lòng bàn tay, chân, mông, đầu gốil. Bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Hơn nữa, trẻ bị bệnh cần nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát để tránh bệnh lây lan thành dịch.
☛ Đọc thêm: Vệ sinh miệng cho trẻ bị chân tay miệng đúng cách
Lời kết
Qua những thông tin trên, bố mẹ cũng phần nào nắm bắt được dịch bệnh tay chân miệng ở miền Nam đang diễn biến vô cùng phức tạp. Vì thế, bố mẹ cần quan tâm sát sao đến con trẻ, thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khoẻ của con mình tốt nhất nhé!