Tay chân miệng là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ biết thêm những biến chứng của bệnh và cách điều trị giúp bé mau khỏe.
Mục lục
Bệnh chân tay miệng là gì?
Chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ, nhất là những trẻ dưới 10 tuổi. Đây là tình trạng trẻ tổn thương ở dạng mụn nước chủ yếu tập trung tại lòng bàn tay, chân và niêm mạc miệng. Tùy vào từng giai đoạn, trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau:
- Giai đoạn ủ bệnh từ 3-5 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: trẻ sẽ xuất hiện những biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau họng, đau rát ở miệng, chảy nước bọt nhiều, trẻ biếng ăn, tiêu chảy.
- Giai đoạn toàn phát: các triệu chứng sẽ xuất hiện thêm như phát ban dạng bọng nước trên da, loét miệng, xuất hiện các nốt mụn lở, rộp da. Biểu hiện nặng dần sẽ là rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.
Bệnh có thể lây từ người qua người, đường lây nhiễm từ tuyến nước bọt hoặc phân của trẻ mắc bệnh. Tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh và dễ trở thành dịch. Thời điểm dễ bùng phát dịch nhất là khoảng từ tháng 2 – 5 và tháng 9-12 hằng năm.
☛ Xem đầy đủ: Các dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân trẻ mắc tay chân miệng
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus sống ký sinh ở đường ruột. Hai loại virus phổ biến nhất là Coxsackie A16 (CV A16) hoặc Enterovirus 71 (EV71).
- Coxsackie A16 (CV A16) là virus gây ra những triệu chứng bệnh nhẹ, không nguy hiểm và có thể tự khỏi.
- Enterovirus 71 (EV71) là virus ít gặp hơn nhưng thường gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong.
Ngoài ra, một số chủng virus như: Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng là nguyên nhân gây bệnh. Theo nghiên cứu, virus gây bệnh chân tay miệng sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60 độ trong khoảng 15 phút. Còn với điều kiện lạnh -40 độ thì sẽ sống được khoảng 3 tuần ở môi trường tự nhiên. Chính vì thế, trẻ có thể nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với những nơi có chứa virus.
Thông thường, cơ thể của trẻ sẽ tự miễn dịch với loại virus gây bệnh. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, trẻ vẫn có thể mắc bệnh chân tay miệng thêm nhiều lần nhưng những lần sau sẽ do chủng virus khác.
Yếu tố nào khiến bệnh chân tay miệng trở nặng?
Có rất nhiều yếu tố khiến bệnh chân tay miệng của trẻ trở nặng hơn. Có thể do thời tiết thay đổi thất thường vào thời điểm giao mua trong năm nên virus rất dễ phát triển và bùng thành dịch. Hoặc có thể do sự chủ quan phụ huynh mà nhiều trẻ nhỏ khi đến bệnh viện đã chuyển sang giai đoạn bệnh nặng, xuất hiện biến chứng.
Những biểu hiện ban đầu của bệnh thường là đau họng, sốt, ho, biếng ăn nên nhiều cha mẹ thường tưởng nhầm là bệnh cảm cúm. Hoặc đến khi xuất hiện các vết loét ở lợi, niêm mạc miệng thì bị lầm tưởng là bệnh nhiệt miệng. Hoặc khi có những vết mụn nước ở da, lòng bàn tay, chân, mông thì lại tưởng trẻ bị dị ứng, thủy đậu mà không phát hiện bệnh kịp thời.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu ớt nên rất dễ mắc bệnh, nhất là những trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi đó, đây là bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh nên có thể bùng thành dịch.
Tay chân miệng có nguy hiểm không?
Tay chân miệng khi ở tình trạng nhẹ và được phát hiện sớm sẽ không gây nguy hiểm, trẻ có thể tự hồi phục sau 7-10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Thế nhưng nếu phụ huynh chủ quan, bệnh có thể tiến triển rất nhanh và gây nguy hiểm, xuất hiện các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp.
Biến chứng về thần kinh
Biến chứng về thần kinh bao gồm: viêm màng não, viêm thân não, viêm não tùy, viêm não. Các biểu hiệu cụ thể như:
- Trẻ rung giật cơ khoảng 1-2 giây từng cơn, xuất hiện ở các chi, khi trẻ bắt đầu ngủ hoặc nằm ngửa.
- Trẻ ngủ không sâu giấc, đi đứng loạng choạng, rung giật nhãn cầu.
- Tăng trương lực cơ.
- Chân tay yếu.
- Liệt dây thần kinh sọ não.
- Biến chứng nặng nhất là hôn mê, suy hô hấp.
Biến chứng về tim mạch
Biến chứng về tim mạch bao gồm: viêm cơ tim, suy tim và trụy mạch. Biểu hiện của biến chứng cụ thể như:
- Mạch của trẻ đập nhanh trên 150 lần/ phút.
- Thời gian để mạch máu trở lại sau khi ấn chậm trên 2 giây (thời gian làm đầy mao mạch).
- Xuất hiện triệu chứng rối loạn vận mạch: Da tím tái, tay chân lạnh ngắt, đổ mồ hôi.
- Trẻ tăng huyết áp ở giai đoạn đầu.
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi chỉ số huyết áp tâm thu có thể lên đến ≥ 110 mmHg.
- Đối với trẻ từ 1-2 tuổi đo được ≥ 115 mmHg.
- Đối với trẻ trên 2 tuổi ≥ 120 mmHg.
- Ở giai đoạn sau, không đo được mạch và huyết áp của trẻ.
Biến chứng về hô hấp
Biến chứng về hô hấp gồm: phù phổ cấp, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Một số triệu chứng xuất hiện như:
- Trẻ thở nhanh, khó thở, thở nông, khò khè, rít thanh quản, thở rút lõm lồng ngực.
- Trẻ bị phù phổi cấp có biểu hiện khó thở, da tím tái, trong nội khí quản sùi bọt hồng, có lẫn máu, phổi nhiều ran ẩm.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ
Hiện nay bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể điều trị theo hướng kiểm soát và đẩy lùi triệu chứng. Cha mẹ cũng không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh bởi bệnh chân tay miệng là do nhiễm khuẩn virus đường ruột, thuốc sẽ không có tác dụng điều trị. Vậy nên khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng thì cha mẹ cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây:
- Trường hợp trẻ bị sốt <38,5 độ thì cha mẹ nên lấy khăn ấm chườm lên trán, hõm nách, hai bẹn của trẻ.
- Trường hợp trẻ sốt >38,5 độ, cha mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ.
- Các vết loét miệng cần được xử lý để kiểm soát nhiễm khuẩn bằng cách sử dụng dung dịch glycerin borat giúp trẻ giảm đau.
- Cha mẹ bổ sung thêm nước và điện giải cho trẻ bằng hydrite hoặc oresol theo chỉ định của bác sĩ.
- Bổ sung thêm vitamin C, kẽm cho trẻ có dấu hiệu sốt và loét miệng.
- Cho trẻ ăn những loại thức ăn mềm, loãng như cháo, súp, canh,… để tránh gây kích ứng vào vết loét ở miệng và dễ tiêu hóa.
- Nếu trẻ không chịu ăn, cha mẹ không nên ép trẻ mà có thể cho trẻ uống sữa, ăn sữa chua, ăn trái cay để thay thế. Đây cũng là những thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bệnh sẽ mau khỏi hơn. (Tìm hiểu thêm: 5 nhóm vitamin tăng hấp thụ cho bé)
Lời kết
Hy vọng qua bài viết này, phụ huynh đã biết thêm được nhiều hơn về bệnh chân tay miệng và những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Vì thế cha mẹ không nên chủ quan nếu thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, mà hãy đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để thăm khám. Việc phát hiện kịp thời sẽ giúp trẻ mau khỏi bệnh hơn và ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm.