Những thói quen hay hành vi vô thức phần nào phản ánh tính cách của mỗi người. Thói quen ăn uống của con được hình thành từ rất sớm nên cha mẹ có thể đoán được phần nào về tính cách trẻ qua nết ăn hàng ngày.
Mục lục
1. Các đặc điểm ảnh hưởng tới tính cách của trẻ
Tính cách là đặc điểm về phản ứng, cảm xúc và hành vi của trẻ với thế giới. Tính cách được hình thành ngay từ khi sinh ra, hoàn thiện dần trong quá trình phát triển. Alexander Thomas và Stella Chess, hai bác sĩ về tâm thần trẻ em ở NewYork – Hoa Kỳ, đã nghiên cứu và phát hiện tính cách được thể hiện qua 9 đặc điểm sau:
- Mức độ hoạt động – lựa chọn của trẻ với các hoạt động khác nhau: yên tĩnh hay hiếu động, ngồi im quan sát hay chạy nhảy…
- Nhịp độ sinh học: Khả năng dự đoán thời điểm diễn ra các chức năng sinh học, ví dụ như thèm ăn, ngủ, đói, mệt…
- Khả năng phân tâm: Mức độ tập trung và chú ý thể hiện khi trẻ không đặc biệt hứng thú với một hoạt động.
- Phản ứng ban đầu: Phản ứng đặc trưng khi bắt đầu với một tình huống mới, hoặc tiếp xúc với người lạ.
- Khả năng thích ứng: Trẻ có dễ thích nghi với những biến đổi từ môi trường hay xã hội không?
- Khả năng kiên trì: Khoảng thời gian trẻ duy trì hoạt động khi gặp trở ngại.
- Mức độ phản ứng: Mức năng lượng với một phản ứng, dù tích cực hay tiêu cực.
- Mức độ nhạy cảm: Mức độ kích thích vật lý (âm thanh, mùi vị, xúc giác, thay đổi nhiệt độ) cần thiết để tạo ra phản ứng ở trẻ.
- Tâm trạng: Xu hướng phản ứng chủ yếu theo hướng tích cực hay tiêu cực.
Mỗi đặc điểm có các cấp độ và phản ứng khác nhau. Chúng kết hợp với nhau tạo thành tính cách độc đáo, riêng biệt của trẻ.
2. Đoán tính cách trẻ qua nết ăn
Tính cách được thể hiện qua hành vi. Ở trẻ nhỏ, ăn uống là hành vi được thực hiện thường xuyên nhất của trẻ. Hãy cùng xem thông qua nết ăn, bạn có thể hiểu gì về tính cách của bé nhé.
2.1. Tốc độ ăn
- Ăn chậm nhai kỹ: Về mặt khoa học, ăn chậm nhai kỹ là cách ăn rất tốt cho sức khỏe, giúp thức ăn được hấp thu và tiêu hóa một cách dễ dàng nhất. Trẻ biết ăn chậm nhai kỹ sẽ có sự nhẫn nại và tính kỷ luật cao, biết tận hưởng và quý trọng cuộc sống. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng bé lại khá cứng nhắc, thiếu linh hoạt.
- Ăn quá nhanh: Những bé ăn nhanh thường có sức khỏe tốt, khá hoạt bát, tinh nghịch. Tuy nhiên, bé cũng dễ thiếu kiên nhẫn, nóng vội, nhanh chơi chóng chán.
- Ăn quá chậm: Trẻ ăn chậm thường có tính tự lập cao. Mặc dù vậy, do có ý thức cá nhân mạnh, bé sống nội tâm hơn, đôi khi không thực sự nhanh nhẹn, không thoải mái khi bị nhắc nhở, góp ý.
2.2. Tư thế ăn
- Ngồi ăn mặt hơi vểnh lên: Trẻ ngồi ăn với tư thế này thường khá có chính kiến, nhanh nhạy. Dẫu vậy, bé cũng dễ ngạo mạn, cố chấp theo ý mình.
- Thè lưỡi ra gần thức ăn: Bé khá thích sạch sẽ, thông minh và có trí nhớ tốt. Bé có thể kín đáo, hiền lành, thậm chí ít nói, thích ngồi lặng lẽ quan sát những điều diễn ra xung quanh mình.
- Cắm đầu cắm cổ ăn: Tuy đôi khi bé tỏ ra thiếu linh hoạt hay ngoan cố nhưng bé lại có sự kiên nhẫn đáng ngạc nhiên. Đây là điểm mạnh rất tốt cho bé phát triển sau này.
- Nghẹo cổ rồi mới nuốt: Trẻ dễ nổi nóng, dễ chán và khá nhạy cảm trước thái độ không hài lòng của người lớn.
- Cầm bát đũa khéo léo: Bé rất thông minh, có thể tự kiềm chế cảm xúc, tiếp thu tốt những điều cha mẹ chỉ dạy.
- Phồng má trợn mắt khi ăn: Bé hơi nóng nảy, thậm chí ngang bướng, dễ quấy khóc khi không vừa ý.
2.3. Tiếng động khi ăn
- Nhai tóp tép: Trẻ có xu hướng thiếu kiên nhẫn, thích khoe khoang, hoạt động không theo thói quen nhất định và tính trách nhiệm chưa cao.
- Nuốt ừng ực: Trẻ khá thông minh và lanh lợi. Tuy nhiên, bé chưa được rèn tính nguyên tắc và khả năng chịu trách nhiệm.
- Ngậm miệng nhai, không nghe thấy tiếng: Bé có tính cẩn thận cao, có nguyên tắc cho riêng mình. Bé thường khá nhút nhát, không thích tham gia những hoạt động có tính chất ganh đua.
2.4. Cách ăn
- Phân chia món ăn: Nếu bé nhà bạn thường phân chia các món ăn ra từng vị trí khác nhau, bé có vẻ khá có quy tắc và ưa sạch sẽ. Bạn cần giúp bé thả lỏng, giảm bớt thói quen này để tránh việc bé tự tạo áp lực về sau.
- Ăn theo thứ tự: Trẻ ăn lần lượt các món, hết món này mới sang món khác thường có tính cách kiên định, giữ vững mục tiêu, chú trọng tiểu tiết. Dẫu vậy, do hạn chế việc thay đổi, bé thường lúng túng trước những tình huống phát sinh đột ngột.
- Trộn chung thức ăn: Bé có tính cách cởi mở, dễ thích nghi. Mặt khác, bé cũng dễ thay đổi sở thích và khó giữ vững lập trường.
- Cắt nhỏ thức ăn: Thói quen cắt nhỏ thức ăn thể hiện tư duy hơn người ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, đôi lúc trẻ dễ bất an, nóng vội.
2.5. Thói quen và sở thích ăn uống
- Thích ăn vặt, bỏ bữa chính: Trẻ thích ăn vặt, thậm chí bỏ luôn bữa chính thường thân thiện với cha mẹ và dễ gần với mọi người xung quanh. Tuy vậy, bé khó có thể thân thiết hẳn với ai đó như một người bạn thân để chia sẻ, tâm sự.
- Chỉ ăn những món mình thích: Đây là một thói quen không tốt, đồng thời phản ánh sự ích kỷ, thiếu quan tâm đến người khác. Cha mẹ cần rèn để bé sửa thói quen này.
- Ăn gì cũng được: Bé dễ thích nghi với môi trường sống thay đổi. Bên cạnh đó, bé cũng ít khi cáu giận, sống ôn hòa, có lòng vị tha.
- Sẵn sàng đổi món: Trẻ thích ăn nhiều món khác nhau, sẵn sàng thử các món mới lạ thường có tinh thần ưa mạo hiểm, dũng cảm và phóng khoáng.
- Thích đồ nóng: Bé thích khám phá, có tính thẳng thắn, dám mạo hiểm và khá cầu toàn. Tuy vậy, bé cũng dễ thay đổi và dễ bị ảnh hưởng bởi những trở ngại trong cuộc sống.
- Thích đồ nguội: Bé có tính cách ôn hòa, giàu tình cảm, có phần sống nội tâm. Dù vậy, bên trong bé lại rất kiên cường, đôi khi có ý thức phản kháng mạnh mẽ.
☛ Tìm hiểu thêm: Cách khắc phục khi bé lười ăn rau và hoa quả
3. Những kiểu tính cách cơ bản của trẻ
Theo một số nghiên cứu, trẻ có 3 kiểu tính cách chính, đó là dễ tính, khó tính và cẩn trọng. Các kiểu tính cách này đều có một số đặc trưng nhất định giúp cha mẹ phân biệt.
3.1. Dễ tính, thoải mái, năng nổ, hoạt bát
Đây là kiểu tính cách phổ biến nhất của trẻ, chiếm khoảng 40%. Biểu hiện của kiểu tính cách này là cảm xúc nhẹ nhàng, tích cực, dễ thích nghi với những điều mới lạ như môi trường sống thay đổi, bạn mới, các tình huống bất ngờ. Việc ăn, ngủ, bài tiết của bé cũng diễn ra theo một quy luật nhất định, ít bị thay đổi.
3.2. Khó tính, dễ bị tác động bởi những kích thích bên ngoài
Kiểu tính cách này gặp ở khoảng 10% trẻ em. Bé thường có tâm trạng tiêu cực, phản ứng hay thể hiện cảm xúc theo hướng mạnh mẽ, quá khích. Việc sinh hoạt (ăn, ngủ, bài tiết) của bé thường không theo quy luật, bé cũng chậm thích nghi với môi trường mới, khó làm quen với người lạ. Cha mẹ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc chăm sóc bé.
3.3. Khó tiếp xúc, cẩn trọng
Trẻ khó tiếp xúc hoặc cẩn trọng thường khá nghiêm túc, thể hiện cảm xúc một cách nhẹ nhàng, đôi khi nhút nhát, sợ hãi và nhạy cảm. Các bé có sự cảnh giác và chậm thích nghi với những thay đổi môi trường, tình huống mới hay tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, sau một thời gian, bé sẽ thấy thoải mái hơn và trở nên hoạt bát như những đứa trẻ khác. Kiểu tính cách này có thể gặp ở 15% trẻ em.
4. Cha mẹ cần làm gì để giúp bé phát triển tính cách?
Nói chung, cha mẹ không thể thay đổi hoàn toàn tính cách của con theo ý mình. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể hỗ trợ để bé phát triển tính cách theo hướng tốt nhất nhờ nắm lòng 4 điều dưới đây:
Hiểu được kiểu tính cách của con
Qua những hành động, cử chỉ thường ngày, cách bé tiếp cận và tương tác với thế giới bên ngoài, cha mẹ có thể phần nào nhận biết được kiểu tính cách của con. Không chỉ vậy, bạn còn có thể tìm hiểu về tính cách của con qua những tình huống bất ngờ, ví dụ như những cơn ác mộng, khi con tới môi trường mới có tính kích thích cao (công viên, khu vui chơi), khi con mắc lỗi…
Học cách chấp nhận tính cách của con
Trong giai đoạn đầu đời, tính cách của con là những gì bản năng và của riêng con. Do đó, dù con có bướng bỉnh, khó bảo hay thụ động, rụt rè thì cha mẹ cũng nên dần học cách chấp nhận. Bởi việc gấp gáp thay đổi tính cách con có thể khiến bé tổn thương và cảm thấy không được tôn trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đặt ra một giới hạn chấp nhận nhất định, không để con muốn làm gì cũng được.
Thay đổi cách tiếp cận
Để giúp bé phát triển tính cách, cha mẹ cần có sự tương tác mật thiết với bé để hiểu bé, hiểu những suy nghĩ và hành động của bé. Bởi tính cách mỗi người là khác nhau, mẹ có thể vui vẻ nhưng bé lại hay quấy khóc, mẹ cũng có thể thích yên tĩnh trong khi bé sẵn sàng chạy nhảy cả ngày.
Tuy nhiên, hành động không thể hiện hết được tính cách của một người. Bạn cần tiếp cận một cách linh hoạt từ hành vi đến các biểu hiện tâm lý, sinh lý, trạng thái thường ngày của bé. Ví dụ như trạng thái của bé khi ngủ, bé có biếng ăn không, có dấu hiệu khó chịu bệnh lý nào không?
Làm gương cho bé
Trong suốt thời kỳ phát triển của bé, cha mẹ chính là người gần gũi với bé nhất. Do đó, một phần tính cách của bé sẽ chịu ảnh hưởng từ cha mẹ. Những hành vi, cả đúng và sai của bạn đều có thể bị bé học theo. Bởi vậy, hãy luôn là tấm gương sáng cho con bạn nhé.