Trẻ 3 tháng tuổi biếng ăn, lười bú là đang vấn đề nhiều cha mẹ phải đối mặt. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ. Do vậy, việc tìm hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu biếng ăn ở trẻ 3 tháng tuổi sẽ giúp cha mẹ có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp con yêu phát triển toàn diện.
☛ Đọc trước: Trẻ biếng ăn và những thông tin cần biết!
Mục lục
Nhận biết các dấu hiệu trẻ 3 tháng biếng ăn
Giai đoạn trẻ từ 3 tháng tuổi là cột mốc đánh dấu sự thay đổi vượt trội của bé so với giai đoạn mới chào đời. Không chỉ là sự phát triển vượt bậc về thể chất, khả năng vận động, phản ứng giao tiếp của trẻ cũng có nhiều sự thay đổi.
Trong giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng lên để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Trung bình, lượng sữa mỗi cữ bú của bé là khoảng 60-120ml, mỗi ngày mẹ nên cho bé bú từ 5-6 cữ. Nếu trẻ bú ít hơn con số này, trẻ được xem là biếng ăn.
Ngoài ra, cha mẹ có thể nhận biết trẻ 3 tháng biếng ăn, biếng bú qua một số dấu hiệu khác như:
- Trẻ không còn hào hứng bú mẹ như trước nữa, bé bú rất chậm và chỉ ngậm ti mẹ.
- Trẻ không tập trung khi bú, hay nhả ti và quay đầu ra ngoài.
- Trẻ không đòi bú, thậm chí là quấy khóc khi được cho bú.
- Trẻ tăng cân chậm, chững cân.
Trẻ 3 tháng biếng ăn, lười bú có làm sao không?
Như đã đề cập ở trên, giai đoạn 3 tháng tuổi trẻ có nhiều sự phát triển vượt bậc về thể chất. Theo đó, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể trẻ cũng tăng cao. Do vậy, trẻ biếng ăn biếng bú ở giai đoạn này có thể kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Thông thường, nếu tình trạng biếng ăn của trẻ 3 tháng tuổi chỉ diễn ra trong vài ngày thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ biếng ăn lười bú diễn ra thường xuyên và kéo dài thì nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng rất cao. Trẻ thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến chậm lớn, chậm tăng cân, hệ miễn dịch cũng suy giảm khiến trẻ dễ ốm vặt, khả năng vận động kém, trí não chậm phát triển,… so với những bé cùng tuổi.
Nguyên nhân trẻ 3 tháng biếng ăn, biếng bú
Trước hết, cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ 3 tháng tuổi để có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp, từ đó cải thiện tình trạng giúp bé phát triển khỏe mạnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây biếng ăn thường gặp nhất ở trẻ 3 tháng tuổi.
Trẻ 3 tháng biếng ăn sinh lý
So với giai đoạn sơ sinh, trẻ 3 tháng tuổi đã cứng cáp hơn rất nhiều. Thời điểm này, trẻ đã có thể lật người, ngóc đầu dậy, đồng thời trẻ cũng vận động chân nhiều hơn. Việc tập làm quen với kỹ năng mới có thể khiến bé tạm quên đi việc ăn uống. Đây được xem là giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ 3 tháng tuổi. Tuy nhiên cha mẹ cũng không cần quá lo lắng vì qua khoảng thời gian này, trẻ sẽ lại ăn uống bình thường khi chúng đã thích nghi với các thay đổi mới.
☛ Tìm hiểu thêm: Biếng ăn sinh lý ở trẻ 3 tháng tuổi và cách xử lý!
Biếng ăn do bệnh lý ở trẻ 3 tháng tuổi
Một trong những nguyên nhân thường gặp gây biếng ăn ở trẻ 3 tháng tuổi là do trẻ mắc bệnh. Nhìn chung, ở những năm tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của bé còn non nớt và chưa phát triển đầy đủ. Trẻ thường xuyên gặp các vấn đề ở hệ thống tiêu hóa như trào ngược dạ dày, nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi,… khiến bé cảm thấy khó chịu, quấy khóc, ảnh hưởng đến việc ăn uống.
Ngoài ra, trẻ 3 tháng tuổi dễ bị nấm lưỡi do vệ sinh răng miệng chưa tốt. Các mảng trắng xuất hiện ở lưỡi và nướu khiến trẻ cảm thấy đau rát, khó chịu khi bú mẹ, dẫn đến tình trạng trẻ lười bú, quấy khóc nhiều hơn.
☛ Đọc thêm: Bé biếng ăn sau khi bị ốm phải làm sao?
Do chế độ ăn không phù hợp
Thông thường, trẻ 3 tháng tuổi vẫn sẽ dành nhiều thời gian cho việc ngủ. Trẻ vẫn ngủ khoảng 15-17 tiếng một ngày và các giấc ngủ dài ngắn khác nhau. Điều này có thể ảnh hưởng đến thời gian ăn sữa của trẻ. Khi mẹ phân chia thời gian không hợp lý, các cữ bú quá gần hoặc quá xa có thể khiến trẻ biếng ăn, biếng bú. Ngoài ra, nhiều mẹ có thói quen cho bé bú quá lâu trong một cữ, hoặc ép bé bú khi bé không có nhu cầu cũng có thể khiến bé trở lên lười bú, biếng bú.
Một số trường hợp, mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm từ khi trẻ mới 3 tháng tuổi chỉ vì sợ bé không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Tuy nhiên, lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt và rất khó để tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm. Điều này có thể khiến bé trở nên biếng ăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về lâu dài.
Chất lượng sữa thay đổi
Trẻ 3 tháng tuổi có thể nhận ra sự khác biệt của sữa mẹ, có thể là do mẹ đang dùng thuốc trị bệnh hoặc ăn các món ăn nặng mùi. Do vậy, trẻ có thể từ chối bú mẹ khi cảm nhận được mùi vị chúng không thích. Lúc này, mẹ nên điều chỉnh lại chế độ ăn hàng ngày và tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc thay đổi thuốc hoặc cân nhắc việc ngừng cho trẻ bú sữa cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh.
Ngoài ra, nếu mẹ đang cho trẻ ăn sữa công thức mà trẻ đột nhiên có dấu hiệu biếng ăn, biếng bú thì mẹ nên kiểm tra lại cách pha sữa. Có thể là do mẹ pha sữa không đúng cách, hoặc mùi vị sữa trẻ không thích, sữa không phù hợp với độ tuổi. Khi đó, mẹ nên theo dõi phản ứng của trẻ và thay đổi loại sữa phù hợp với con.
Do tư thế bú chưa phù hợp
Nhiều trường hợp trẻ tự nhiên biếng ăn, biếng bú là do tư thế bú chưa phù hợp. Tư thế bú chưa đúng làm cho sữa không ra, ra chậm khiến trẻ cảm thấy chán nản. Mặt khác sữa ra quá nhiều cũng có thể khiến con bị sặc và cảm thấy sợ bú. Ngoài ra, tư thế bú khiến trẻ khó chịu, gò bó cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ biếng ăn, biếng bú.
Nguyên nhân khác
- Do tác dụng phụ của thuốc: Trường hợp trẻ bị bệnh và đang phải điều trị bằng thuốc, đặc biệt là kháng sinh có thể dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột gây rối loạn tiêu hóa khiến trẻ cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Do thiếu chất: Đối với trẻ bú mẹ, chế độ ăn của mẹ ảnh hưởng rất nhiều. Bé có thể trở nên biếng ăn khi thiếu một số vi chất quan trọng như kẽm, selen, vitamin nhóm B, sắt, lysine,…
- Do bẩm sinh, di truyền: Gia đình có gen biếng ăn, kén ăn thì trẻ có nguy cơ biếng ăn cao hơn bình thường.
Nên làm gì để khắc phục biếng ăn ở trẻ 3 tháng tuổi?
Biếng ăn kéo dài ở trẻ 3 tháng tuổi ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Do vậy, cha mẹ cần sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp con bắt kịp đà phát triển với các bạn cùng lứa tuổi. Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây.
Tập thói quen ăn uống khoa học
Trẻ 3 tháng biếng ăn biếng bú thường bỏ bú, không đòi bú thường xuyên như các bé khỏe mạnh. Do vậy, mẹ cần lưu ý tập cho trẻ thói quen ăn uống khoa học. Cụ thể:
- Phân chia thời gian các cữ bú hợp lý, đảm bảo thời gian các cữ không quá gần nhau cũng không quá xa nhau.
- Cho bé bú theo nhu cầu, khi trẻ cảm thấy đói chúng sẽ bú nhiều hơn. Mẹ có thể nhận biết hiện tượng trẻ đòi bú qua các phản xạ như liếm môi, mút tay, khua khoắng chân tay, quấy khóc,…
- Đừng ép buộc con bú khi trẻ không muốn vì điều này có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và chán bú hơn.
- Nên cho trẻ bú hết từng bên vú, mỗi bên từ 15-20 phút để đảm bảo lượng sữa mỗi lần trẻ bú.
- Mẹ nên cho bé bú nơi yên tĩnh, ít người, tránh để trẻ xao nhãng khi bú mẹ.
☛ Đọc thêm: Gợi ý 8 thực đơn cho bé biếng ăn
Thay đổi tư thế bú
Đối với trẻ biếng ăn do tư thế bú không phù hợp, mẹ cần chú ý điều chỉnh tư thế giúp bé cảm thấy thoải mái nhất. Khi đó, bé sẽ bú được nhiều sữa hơn và cảm thấy thích thú hơn. Mẹ nên lựa chọn tư thế sao cho phần đầu cao hơn thân bụng của bé để tránh hiện tượng đầy hơi, đồng thời tăng cường tiêu hóa cho trẻ.
Tăng cường chất lượng sữa mẹ
Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ cần chú trọng xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Mỗi bữa ăn của mẹ cần đảm bảo đầy đủ và cân bằng 4 nhóm chất thiết yếu, gồm có chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Đồng thời, bổ sung đa dạng các thực phẩm trong khẩu phần ăn để tạo ra nguồn dinh dưỡng trọn vẹn nhất cho bé. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ cho con bú cần bổ sung thêm 500kcal so với bữa ăn bình thường. Một số thực phẩm giúp tăng cường chất lượng sữa mẹ có thể kể đến như:
- Đạm: Thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá, hải sản, các loại đậu,…
- Tinh bột: Cơm, bánh mì, phở, cháo, ngũ cốc,…
- Chất béo: Dầu, mỡ, bơ,…
- Vitamin và khoáng chất: Rau củ quả tươi, các loại đậu, ngũ cốc,…
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng biếng ăn do chất lượng sữa mẹ thay đổi, mẹ nên tránh các món ăn có gia vị nặng mùi, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, các chất kích thích, thực phẩm gây mất sữa,…
☛ Xem đầy đủ: 5 nhóm vitamin tăng hấp thu cho bé
Lựa chọn sữa phù hợp
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong khoảng 6 tháng đầu đời, bởi đây là nguồn dinh dưỡng đầy đủ và trọn vẹn nhất dành cho trẻ. Theo thống kê, trẻ bú mẹ hoàn toàn sẽ phát triển tốt hơn, hệ miễn dịch cũng khỏe mạnh hơn. Bằng cách tăng cường chất lượng sữa mẹ và cho bé bú thường xuyên, bé sẽ phát triển khỏe mạnh và sớm khắc phục được tình trạng biếng ăn.
Đối với trẻ bú sữa ngoài, mẹ nên lựa chọn các loại sữa phù hợp với độ tuổi của bé, ưu tiên các sữa có thành phần gần giống với sữa mẹ. Đồng thời, quan sát phản ứng của trẻ để tìm ra mùi vị trẻ ưa thích. Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý pha sữa đúng cách để đảm bảo giữ trọn vẹn chất dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe của bé.
☛ Tham khảo: Top 7 loại sữa dành cho trẻ biếng ăn
Điều trị bệnh lý bé đang mắc phải
Khi mắc bệnh, cơ thể mệt mỏi khó chịu khiến trẻ cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh lý trẻ đang mắc phải. Khi sức khỏe của trẻ hồi phục, con sẽ sớm ăn uống bình thường trở lại.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng
Việc bổ sung vi chất quan trọng như sắt, kẽm, selen, vitamin nhóm B, lysine,… không chỉ giúp bé cảm thấy ngon miệng hơn mà còn kích thích tiêu hóa, tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng. Do vậy, mẹ cũng nên chú ý bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vi chất như trái cây, rau xanh,… để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp cải thiện biếng ăn ở trẻ 3 tháng tuổi.
☛ Có thể bạn quan tâm: 16+ cách trị biếng ăn cho trẻ tại nhà hiệu quả
Lưu ý khi chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi biếng ăn
Ngoài các biện pháp kể trên, khi chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi biếng ăn, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Mẹ có thể hút sữa ra bình để dự phòng những lúc cần thiết, đảm bảo luôn đủ sữa cho con, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể trẻ.
- Mẹ nên bổ sung cho cơ thể đủ nước để cơ thể sản xuất ra đủ lượng sữa cần thiết cho trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mẹ nên cho trẻ tập ăn dặm sau 6 tháng tuổi.
- Cân bằng thời gian ăn – ngủ – chơi, đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc (15-17 tiếng mỗi ngày) để trẻ cảm thấy tỉnh táo, thoải mái khi bú mẹ.
- Mẹ không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi đang nuôi con bằng sữa mẹ mà chưa được sự cho phép của bác sĩ.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường xung quanh hạn chế nguy cơ mắc bệnh tật.
- Thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe của bé.
- Nếu biếng ăn kéo dài trên 2 tuần và không cải thiện khi mẹ đã áp dụng mọi cách, bé quấy khóc nhiều, không tăng cân thậm chí là sút cân, mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn chăm sóc điều trị phù hợp nhất.
Trên đây là những thông tin liên quan đến tình trạng trẻ 3 tháng biếng ăn và các biện pháp khắc phục, chăm sóc đúng cách. Hi vọng qua bài viết này, cha mẹ đã trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức bổ ích giúp bé hết biếng ăn và phát triển khỏe mạnh!