Vệ sinh miệng khi bé bị tay chân miệng đúng cách sẽ làm dịu cảm giác đau rát, đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục tổn thương giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng biết cách vệ sinh sao cho đúng và tránh tình trạng bệnh trở nặng. Để hiểu rõ hơn về bệnh tay chân miệng cũng như cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách, cha mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Bệnh chân tay miệng là bệnh lý truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh có xu hướng lây lan nhanh chóng, kể cả người lớn cũng vẫn có nguy cơ mắc bệnh này. Bên cạnh những tổn thương trên da, niêm mạc miệng, lòng bàn tay và lòng bàn chân,… bệnh chân tay miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, viêm màng não, bội nhiễm,…
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng phổ biến nhất là do virus coxsackievirus a16. Đây là chủng virus thuộc nonpolio enterovirus, ngoài ra các enterovirus khác cũng có thể gây ra tay chân miệng.
Hầu hết trẻ nhỏ bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng là do tiếp xúc với tác nhân gây bệnh qua dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt, dịch tiết từ nốt mụn nước bị vỡ, giọt bắn trong không khí sau khi ho hoặc hắt hơi,…
Đó là lý do bệnh tay chân miệng có xu hướng lây lan rộng rãi và nhanh chóng tại các nhà trẻ. Bệnh thường bùng phát mạnh mẽ vào khoảng tháng 3 – 5 và tháng 9 – 12 tại Việt Nam, bởi đây là thời điểm thời tiết biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các virus phát triển mạnh mẽ.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh
Khi mắc bệnh chân tay miệng, trẻ nhỏ có thể xuất hiện tất cả hoặc một vài triệu chứng dưới đây:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao.
- Đau rát họng.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Xuất hiện các tổn thương giống như mụn nước ở trên lưỡi, nướu, vòm họng và bên trong má,… mụn nước có thể vỡ ra và tạo thành các vết loét.
- Trên da vùng lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi ở mông, đầu gối,… xuất hiện các nốt ban đỏ, nốt ban có thể không gây ngứa, chìm dưới da hoặc nổi lên thành dạng mụn nước.
- Trẻ sơ sinh và mới biết đi thường quấy khóc nhiều hơn.
- Ăn không ngon miệng, chán ăn, bỏ ăn,…
Cách vệ sinh miệng khi bé bị tay chân miệng
Như đã đề cập ở trên, bệnh tay chân miệng có triệu chứng điển hình là các nốt mụn nước, phồng rộp, vết loét xuất hiện trong khoang miệng của trẻ. Do vậy, những tổn thương này sẽ khiến trẻ nhỏ cảm thấy vô cùng khó chịu, đau rát, ăn mất ngon,…
Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời ngăn ngừa tổn thương trở nặng, cha mẹ có thể thực hiện vệ sinh miệng cho bé theo các cách dưới đây:
Vệ sinh miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý (hay còn gọi là nước muối đẳng trương) là dung dịch chứa muối ăn (NaCl) với nồng độ 0,9%. Áp suất thẩm thấu của dung dịch tương đương với dịch cơ thể như nước mắt, máu,… nên được gọi là nước muối sinh lý và có thể sử dụng được cho nhiều đối tượng khác nhau, kể cả trẻ nhỏ.
Với nồng độ 0,9%, nước muối sinh lý có tác dụng kháng khuẩn tốt, đồng thời làm sạch nhanh nên có thể sử dụng vệ sinh răng miệng cho bé khi bị tay chân miệng rất hiệu quả. Cha mẹ có thể tìm mua nước muối pha sẵn tại các hiệu thuốc, hoặc tự pha tại nhà bằng cách lấy 1 muỗng (tương đương 5g muối) hòa tan với 240 ml nước ấm.
Cách thực hiện:
- Đối với trẻ lớn: Cha mẹ cho trẻ tự súc miệng nước muối, nên thực hiện sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.
- Đối với trẻ nhỏ: Cha mẹ dùng một miếng gạc mềm, sạch quấn lấy ngón tay thấm nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng răng, góc má, lưỡi,… của bé. Chú ý lau nhẹ nhàng tránh làm tổn thương niêm mạc miệng.
Dùng dung dịch sát khuẩn vệ sinh miệng cho bé
Sử dụng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng cũng là một cách hiệu quả giúp ngăn ngừa bội nhiễm, đặc biệt là khi nốt mụn nước bị vỡ tạo thành các vết loét. Theo ThS Đỗ Thị Thúy Hậu, cha mẹ có thể dùng Glycerin borate, Zytee,.. bôi trực tiếp lên vết loét ở miệng. Thực hiện khoảng 3 lần mỗi ngày, nên bôi thuốc trước khi ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chân tay miệng
Ngoài việc chú ý vệ sinh miệng cho trẻ khi bị chân tay miệng, cha mẹ cần lưu ý một số điều dưới đây:
– Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ cách ly tại nhà trong khoảng 10 – 14 ngày đầu mắc bệnh. Đồng thời báo ngay cho trường học, nhà trẻ,… để có phương án vệ sinh, giảm nguy cơ lây lan của bệnh qua những vật dụng trẻ đã tiếp xúc.
– Cho trẻ sinh hoạt trong môi trường thông thoáng, sạch sẽ, đầy đủ ánh nắng mặt trời.
– Khi trẻ sốt cao, mẹ có thể áp dụng các biện pháp như chườm mát vùng cổ, nách, bẹn,… kết hợp với cho trẻ uống thuốc hạ sốt không kê đơn như Paracetamol (liều dùng 10-15mg/kg, mỗi 4-6 giờ, mỗi ngày dùng không quá 4 lần.
– Bổ sung cho trẻ đủ nước để tránh nguy cơ mất nước do sốt cao, có thể cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải. Tuy nhiên, cần lưu ý về liều lượng pha dung dịch theo đúng khuyến cáo trên bao bì.
– Vệ sinh da cho trẻ bằng xà phòng sát khuẩn hoặc nước sạch. Sau khi tắm, có thể cho trẻ bôi Betadin 3% để phòng ngừa bội nhiễm trên da. Chú ý nên tắm cho trẻ nhẹ nhàng, không chọc vỡ hay đắp lá lên các nốt mụn nước.
– Cắt ngắn móng tay của trẻ để đảm bảo chúng không làm vỡ mụn nước và gây nhiễm trùng.
– Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ và cân bằng. Đối với trẻ còn bú mẹ, mẹ vẫn nên tiếp tục cho trẻ ăn sữa mẹ bằng cách dùng thìa cho trẻ ăn. Đối với trẻ lớn hơn, mẹ có thể cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo,…
– Thường xuyên theo dõi tình trạng của bé, nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc có xu hướng trở nên trầm trọng hơn, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Mong rằng những thông tin chia sẻ trên đây đã giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về cách vệ sinh răng miệng và một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chân tay miệng đúng cách. Nếu còn thắc mắc hay cần tư vấn thêm, cha mẹ hãy để lại thông tin bên dưới để được các chuyên gia liên hệ tư vấn hoàn toàn miễn phí!