Ăn dặm chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) là một trong 3 phương pháp ăn dặm được nhiều cha mẹ áp dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên với những người đang chuẩn bị hoặc mới bắt đầu hành trình cho con ăn dặm có thể sẽ chưa hiểu rõ chi tiết về phương pháp này. Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin đầy đủ hơn về ăn dặm chỉ huy và gợi ý mẹ những thứ cần chuẩn bị để quá trình ăn dặm của con diễn ra thuận lợi, hiệu quả.
Mục lục
Ăn dặm chỉ huy là thế nào?
Ăn dặm nghĩa là cho trẻ ăn thêm những đồ ăn khác song song với việc trẻ vẫn bú mẹ hoặc uống sữa công thức nhằm bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé phát triển. Ăn dặm chỉ huy, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm truyền thống là 3 phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay.
☛ Có thể bạn quan tâm: So sánh 3 kiểu ăn dặm cho bé phổ biến nhất hiện nay
Ăn dặm chỉ huy (BLW) là phương pháp ăn dặm mà trẻ được tự quyết định xem mình ăn gì, ăn bao nhiêu và cách ăn như thế nào. Bố mẹ không phải đút cho bé ăn mà chỉ cung cấp thức ăn, dụng cụ và ngồi ăn cùng con. Với ăn dặm tự chỉ huy, trẻ không phải ăn cháo với đồ rau củ quả xay nhuyễn mà bé sẽ ăn trực tiếp các loại rau củ, trái cây mềm, được cắt miếng phù hợp để bé dễ cầm và dễ nhai nuốt.
Khi mới bắt đầu cho bé tập ăn dặm chỉ huy, cha mẹ nên cho con ăn các loại rau củ và trái cây mềm. Vậy nên cần chú ý chọn những loại rau củ sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh, không chứa thuốc hay hóa chất, như vậy mới giúp trẻ phát triển khỏe mạnh được.
Ăn dặm chỉ huy tạo cho bé tính chủ động và tự lập khi ăn, con sẽ học được cách tự đưa đồ ăn lên miệng, nhai, nuốt để thỏa mãn cơn đói. Cách này cũng sẽ tạo độ hứng khởi, giúp bé tự nguyện, tự giác với bữa ăn của mình hơn.
Ưu điểm khi cho trẻ ăn dặm chỉ huy
Những ưu điểm cũng như lợi ích khi áp dụng phương pháp ăn dặm chỉ huy cho trẻ:
- Trẻ được ăn thô sớm, nâng cao khả năng nhai và nuốt.
- Con được khám phá mùi vị, màu sắc và kết cấu của mỗi loại thức ăn tốt hơn từ đó tạo hứng thú với việc ăn uống
- Hạn chế tình trạng bố mẹ ép con ăn khiến con sợ hãi, bỏ ăn vì với phương pháp này trẻ sẽ được tự lựa chọn đồ ăn, số lượng ăn, cách ăn theo ý muốn và dừng lại khi đã no hoặc không thích nữa.
- Tạo được tính tự lập và chủ động cho bé trong việc ăn uống.
- Trẻ được rèn luyện sự khéo léo, linh hoạt trong sự phối hợp hoạt động giữa mắt, tay và miệng.
- Mẹ không cần mất quá nhiều thời gian chuẩn bị đồ ăn cho con vì các món con ăn cũng tương tự như những món ăn của gia đình, chỉ cần biến tấu một chút cho mềm hơn.
- Giảm nguy cơ thừa cân, béo phì vì ăn dặm chỉ huy cho phép bé được tự điều chỉnh lượng thức ăn cho vào cơ thể dựa theo sức đói của bản thân. Không bị ép ăn quá nhiều, thừa quá nhu cầu của cơ thể.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm chỉ huy
Ngoài những ưu điểm kể trên thì ăn dặm chỉ huy cũng tồn tại những nhược điểm như:
- Trẻ sẽ bóp nát, bày bừa đồ ăn lung tung, bôi đồ ăn lên khắp người, vương vãi đồ ăn ra xung quanh. Mẹ sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để dọn dẹp sau khi bé ăn xong.
- Bé dễ bị hóc, nghẹn vì cắn, nuốt miếng to.
- Con dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng do ăn không đủ nhu cầu của cơ thể.
- Các mẹ dễ bị áp lực tâm lý từ người trong gia đình và chính từ bản thân các mẹ nữa.
Khi nào biết bé đã sẵn sàng để ăn dặm chỉ huy?
Để quá trình ăn dặm chỉ huy diễn ra thuận lợi, đạt được hiệu quả cao, đầu tiên mẹ cần phải xác định xem con mình đã sẵn sàng để ăn dặm chỉ huy chưa. Vậy những dấu hiệu nào chứng tỏ bé đã sẵn sàng để ăn dặm chỉ huy?
Theo học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), một em bé sẵn sàng ăn dặm chỉ huy khi có những dấu hiệu sau:
- Trẻ có thể tự ngồi vững mà không cần hoặc cần rất ít sự hỗ trợ từ cha mẹ
- Trẻ thích thú với thức ăn: thường quan sát bố mẹ ăn, với tay lấy thức ăn và đưa lên miệng, đói nhanh và đòi ăn liên tục
- Con giữ được đầu thẳng và di chuyển thức ăn trong miệng thay vì đẩy hoặc nhè thức ăn ra ngoài.
- Cử động môi miệng trở lên linh hoạt hơn khi nhận thức ăn từ người lớn.
Thông thường, thời gian thích hợp để bé bắt đầu ăn dặm chỉ huy là khi được 6 tháng tuổi. Các mẹ cần chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết hỗ trợ con trong quá trình ăn uống, đồng thời cung cấp thức ăn ở dạng miếng, dài cỡ ngón tay, mềm và có thể bóp nhẹ bằng 2 ngon tay, như vậy con sẽ dễ cầm hơn, hạn chế nguy cơ hóc, nghẹn.
☛ Đọc thêm: Thời điểm cho bé ăn dặm tốt nhất
Mẹ cần chuẩn bị những gì khi cho con ăn dặm chỉ huy?
Để hỗ trợ con ăn dặm chỉ huy tốt hơn, mẹ cần chuẩn bị những đồ sau:
Ghế dành riêng cho bé ăn dặm
Ghế ăn dặm giúp giữ bé cố định và ăn uống tập trung hơn. Theo kinh nghiệm, các mẹ nên chọn loại ghế nhỏ gọn, thuận tiện để di chuyển và dễ dàng vệ sinh, đồng thời có thể đặt được lên trên ghế khác, có các nấc điều chỉnh độ cao khác nhau.
Ngoài ra, khi mới bắt đầu tập ăn dặm chỉ huy, bé có thể chưa ngồi chắc chắn được nên mẹ có thể mua thêm tấm đệm tựa lưng để con có thể ngồi vững chắc và thoải mái hơn.
Yếm máng ăn dặm
Các mẹ nên chọn loại yếm máng chất liệu bằng silicon hay nilong mềm để đồ ăn không bị thấm vào bên trong quần áo. Đặc biệt nên ưu tiên loại yếm có gài phía sau cổ, không nên chọn loại buộc dây vì sẽ làm con khó chịu.
Bát, đĩa, thìa, muỗng ăn dặm
Đây là những dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn của con nên khuyến khích mẹ chọn loại chất liệu cao cấp, các mép được bo tròn, không sắc nhọn. Với bát và đĩa nên ưu tiên những loại có thể dính vào khay để hạn chế bị dịch chuyển. Thìa muỗng thì mẹ nên chọn loại có độ nông vừa đủ, cán cầm dày để bé ăn thức ăn dễ dàng hơn.
Ngoài ra, màu sắc của bát đĩa cũng tạo sự thích thú, hào hứng cho bé trong bữa ăn. Mỗi độ tuổi sẽ thích những màu sắc khác nhau, chẳng hạn bé từ 5-7 tháng tuổi sẽ thích màu vàng và đỏ, bé 8-10 tháng tuổi sẽ thích màu đỏ, hồng và xanh, còn bé trên 10 tháng tuổi lúc này đã có sở thích màu riêng, mẹ có thể tham khảo để lựa chọn được màu chén bát mà bé thích nhé.
Cốc, ống hút
Uống nước hay hút nước từ cốc cũng là kỹ năng bé cần học trong giai đoạn ăn dặm. Vậy nên, khi bé được khoảng 10 tháng tuổi, mẹ nên bỏ việc cho bé uống nước bằng bình ti sữa mà tập cho con cầm cốc và uống/hút nước từ cốc. Nên chọn loại cốc có quai cầm 2 bên, có vạch định mức, còn ống hút thì nên mua loại an toàn cho bé.
Hướng dẫn cách cho bé ăn dặm chỉ huy đạt hiệu quả cao
Rất nhiều cha mẹ giai đoạn đầu rất bối rỗi, nghĩ rằng khi cho con ăn dặm chỉ huy, thức ăn cần cắt thái miếng to để tránh việc bé đưa tất cả vào miệng gây hóc ghẹn. Tuy nhiên, điều đó chưa thực sự đúng. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cũng như những nguyên tắc cha mẹ cần lưu ý để quá trình bé ăn dặm chỉ huy đạt hiệu quả cao:
– Bắt đầu cho trẻ ăn bằng những thực phẩm riêng lẻ để xác định xem trẻ có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không. Sau khi thử và bé đã dung nạp với các thực phẩm riêng lẻ thì mẹ có thể chế biến các món ăn hỗn hợp để giới thiệu cho con.
– Đồ ăn phải mềm và cắt thành từng miếng nhỏ phù hợp với độ tuổi. Trẻ 6-7 tháng tuổi nên cắt thức ăn thành các dải dài, mỏng, hình đồng xu cho bé dễ nắm bằng cả lòng bàn tay. Trẻ từ 8-9 tháng tuổi, cha mẹ nên cắt thức ăn thành dạng que hay miếng vuông để bé cầm nắm thuận tiện hơn, đồng thời dễ dàng ăn từ trên xuống dưới, hạn chế bị nghẹn, hóc.
– Vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ (dùng sữa công thức) trong quá trình ăn dặm chỉ huy để đảm bảo con có đầy đủ dinh dưỡng. Trong những năm đầu đời, sữa mẹ hay sữa công thức chính là nguồn dinh dưỡng lớn cho bé.
– Không nên ép trẻ ăn quá nhiều mà để trẻ được tự quyết định lượng thức ăn đưa vào cơ thể bởi thời gian này trẻ vẫn nhận được đầy đủ dinh dưỡng từ sữa mẹ và sữa công thức nên không cần lo lắng con ăn ít sẽ bị thiếu chất . Cha mẹ chỉ cần cung cấp đồ ăn cho trẻ đúng bữa để bé có thể ăn theo nhu cầu của mình.
– Thức ăn cho trẻ ăn dặm chỉ huy cần phù hợp với độ tuổi giúp con ăn ngon và tiêu hóa tốt. Chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng nên cho bé ăn những loại thực phẩm giàu calo và đầy đủ các dưỡng chất như sắt, kẽm, protein, chất béo lành mạnh. Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn những loại thức ăn chứa muối hoặc đường vi chúng không tốt cho sức khỏe của con.
– Cha mẹ nên chú ý bổ sung đa dạng nhiều loại thực phẩm cho trẻ, như vậy vừa giúp bé phát triển được vị giác vừa hạn chế được tình trạng kén ăn. Nên chọn những loại thực phẩm màu sắc sặc sỡ, có kết cấu khác nhau, chẳng hạn như cà chua, cà rốt, bông cải xanh, dưa hấu… để tạo hứng thú cho trẻ.
– Chỉ nên để 3-4 món trong khay cho trẻ, không nên để quá nhiều loại đồ ăn sẽ khiến bé rối bời, khó lựa chọn. Nên cho trẻ đeo yếm ăn dặm có kích thước lớn hơn bình thường và trải tấm lót ở dưới chỗ trẻ ngồi, như vậy sẽ giúp quá trình dọn dẹp của mẹ được dễ dàng hơn.
☛ Tham khảo thêm: Nên cho bé ăn dặm trước ngủ bao lâu?
Một số món ăn dặm chỉ huy tốt cho bé
Tùy vào từng độ tuổi mà cha mẹ có thể lựa chọn thực đơn ăn dặm chỉ huy phù hợp với bé. Tuy nhiên, thực đơn này cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Dưới đây là những gợi ý về những nhóm thực phẩm mà cha mẹ có thể lựa chọn:
– Nhóm bột đường cung cấp năng lượng và chất xơ cho trẻ: Ngũ cốc, khoai, củ mì, các loại bánh ăn dặm cho trẻ…
– Nhóm chất béo giúp hấp thu vitamin trong dầu tốt, tăng cường phát triển tế bào não và hệ thần kinh: Dầu ăn, mỡ động vật, bơ, phô mai…
– Nhóm protein giúp chuyển hóa dinh dưỡng, xây dựng tế bào cơ thể đồng thời tổng hợp kháng thể, nâng cao hệ miễn dịch: Thịt, cá, tôm, trứng…
– Nhóm vitamin và khoáng chất điều hòa hoạt động của cơ thể, tăng cường chất xơ chống táo bón: Rau xanh, trái cây tươi…
Trên đây là những thông tin cơ bản về phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. Hi vọng, các mẹ đã hiểu rõ hơn phần nào về phương pháp này, cũng như trang bị thêm được nhiều kiến thức để quá trình ăn dặm của con đạt hiệu quả tối ưu, con phát triển toàn diện cả thể chất và trí não.