Con sắp đến tuổi ăn dặm mà mẹ vẫn đang loay hoay chưa biết nên cho con ăn theo phương pháp nào thì ăn dặm kiểu Nhật là một trong những cách nên thử. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin chi tiết để mẹ hiểu rõ hơn về phương pháp này cũng như gợi ý thực đơn 30 ngày ăn dặm kiểu Nhật cho con để mẹ khỏi bỡ ngỡ trong những ngày đầu.
Mục lục
Ăn dặm kiểu Nhật và những lợi ích mang lại
Ăn dặm kiểu Nhật là một trong 3 phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay, cùng với ăn dặm truyền thống và ăn dặm chỉ huy. Chúng có nguồn gốc từ Nhật Bản với mục tiêu là kích thích bé ăn ngon, tiêu hóa tốt, tìm được niềm vui trong ăn uống. Ngoài ra, phương pháp này còn khuyến khích các mẹ dạy con ăn uống tự lập sớm và ăn theo nhu cầu của bản thân.
Khác với ăn dặm truyền thống là xay nhuyễn tất cả các nguyên liệu xong nấu cùng cháo/bột cho bé ăn thì với ăn dặm kiểu Nhật, các mẹ sẽ chế biến từng món riêng biệt xong cho bé thưởng thức để cảm nhận được mùi vị nguyên bản của từng loại thức ăn. Phương pháp này sẽ không xay nhuyễn thức ăn mà dùng rây để nghiền, như vậy sẽ giúp bé tập ăn thô tốt hơn. Độ thô của thức ăn sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi của bé.
Đặc biệt, ăn dặm theo kiểu Nhật không có nghĩa là mẹ sẽ phải dùng các thực phẩm như người Nhật. Mẹ có thể nấu nước súp cho bé từ các loại rau củ như cà rốt, củ cải, bắp cải, cải bó xôi, bí đỏ, thịt gà…
Những lợi ích mà phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mang lại được kể đến như:
- Tạo hứng khởi, không gây nhàm chán khi ăn vì bé được trải nghiệm ăn từ trạng thái lỏng đến đặc, mịn tới loãng.
- Làm quen với mùi vị tốt hơn: Đồ ăn được chế biến riêng biệt từng loại nên con có thể cảm nhận được mùi vị nguyên bản riêng của mỗi món, biết nhiều mùi vị khác nhau sẽ kích thích vị giác hơn.
- Tạo được phản xạ nhai nuốt tốt: Ăn dặm kiểu Nhật tập cho bé ăn thô sớm hơn, từ đó tạo được phản xạ nhai, nuốt giúp quá trình tiêu hóa thức ăn thuận lợi.
- Tăng tính tự lập cho bé: Ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp bé tăng tính tự lập, con có thể nhanh chóng tự ngồi ăn một mình mà không cần hoặc cần rất ít sự trợ giúp từ bố mẹ.
- Hạn chế nguy cơ béo phì, thừa cân: Do được ăn nhiều loại thực phẩm trong một bữa nên dinh dưỡng được cân bằng, sẽ hạn chế được nguy cơ thừa cân, béo phì.
Bên cạnh vô số các lợi ích mang lại thì ăn dặm kiểu Nhật cũng tồn tại một số mặt hạn chế như mẹ sẽ phải tốn nhiều thời gian trong việc lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu và chế biến. Tiếp đó là phải trang bị một bộ dụng cụ riêng để nấu và bảo quản đồ ăn. Và giai đoạn đầu bé sẽ không tăng cân như ăn dặm truyền thống nên có thể mẹ sẽ gặp phải một số áp lực. Đặc biệt, ăn dặm kiểu Nhật mẹ có thể chế biến đồ ăn 1 lần xong bảo quản trong tủ lạnh để dùng cho các lần sau, việc dùng thực phẩm đông lạnh chắc chắn sẽ không tốt bằng dùng đồ tươi sống.
☛ Đọc thêm: So sánh 3 kiểu ăn dặm cho bé phổ biến nhất hiện nay
Thời điểm phù hợp để cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Theo hướng dẫn của Bộ Y Tế – Lao động – Phúc lợi Nhật Bản, thời điểm thích hợp để tiến hành cho bé ăn dặm là khi bé đạt 5 tháng 15 ngày tuổi đồng thời đáp ứng đầy đủ các mốc phát triển gồm: Bé đã giữ vững được cổ và tự ngồi được. Bé tỏ ra thích thú với đồ ăn, khi đưa thìa vào miệng bé sẽ có phản xạ nuốt vào chứ ít dùng lưỡi đẩy ra.
Các công thức ăn dặm kiểu Nhật thích hợp cho bé từ 5 tháng tuổi trở lên, tuy nhiên, tốt nhất là các mẹ nên cho con ăn dặm khi đã đủ 6 tháng tuổi để đảm bảo cho hệ tiêu hóa và đường ruột của con hoạt động tốt.
Nguyên tắc giúp bé ăn dặm kiểu Nhật thành công
Ăn dặm kiểu Nhật bé sẽ được ăn riêng từng món để cảm nhận mùi vị và hạn chế dị ứng
Để áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thành công, hiệu quả mang lại tối ưu, các mẹ cần lưu ý những nguyên tắc sau:
Ăn riêng từng món: Trong giai đoạn đầu của quá trình ăn dặm kiểu Nhật, các mẹ nên cho bé ăn riêng lẻ từng món để xác định xem con có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không. Đến khi bé đã quen thì có thể kết hợp nhiều món hơn trong cùng một bữa.
Ăn nhạt: Nhu cầu muối của trẻ là rất ít và chúng đã có đủ trong các loại thực phẩm nên khi chế biến, cha mẹ không cần cho thêm bất cứ gia vị nào vào thức ăn cho con. Việc thêm nhiều gia vị có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây tổn hại đến gan, thận của bé.
Thức ăn phù hợp với từng giai đoạn: Với mỗi giai đoạn khác nhau thì nhu cầu cũng như độ thô của thức ăn cũng thay đổi. Các mẹ nên cho trẻ ăn từ loãng tới đặc, từ một nhóm thực phẩm đến nhiều nhóm thực phẩm, độ thô của thức ăn cũng tăng dần theo thời gian.
Thực đơn phong phú, đủ dinh dưỡng: Cần đa dạng thực đơn ăn dặm cho bé bằng nhiều loại thực phẩm, rau củ quả khác nhau sao cho dinh dưỡng được cân bằng theo chu kỳ mỗi 2-3 ngày. Nghĩa là không nhất thiết bé phải ăn hết đủ hết tất cả các nhóm chất trong 1 bữa. Nếu bữa này con ăn nhiều đạm thì bữa sau con có thể ăn nhiều rau củ hơn, sao cho trong vòng 2-3 ngày con nạp đầy đủ các nhóm chất.
Cho bé chủ động: Tập cho bé tự chủ động khi ăn, tự xúc ăn, tự ăn những món con thích với lượng theo nhu cầu. Tạo cho bé những thói quen tốt khi ăn bằng cách ngồi tập trung ăn, không đi rong, không xem tivi, điện thoại…
Không ép bé ăn: Việc thúc ép bé ăn có thể phản tác dụng, khiến bé sợ hãi, chán ăn. Hãy để bé tự quyết định xem mình ăn bao nhiêu, cha mẹ nên tạo hứng thú cho bé bằng cách khen bé ăn ngoan, làm thức ăn nhiều màu sắc, chế biến những món mà bé thích, có thể để bé tự xúc, bốc, vọc thức ăn…
Tuyệt đối đừng ép bé ăn
Chú trọng đến nguồn gốc thực phẩm: Mẹ nên lựa chọn những loại thịt, cá, rau, củ, quả có nguồn gốc tự nhiên, an toàn, không chất bảo quản cho bé.
Không dùng máy xay: Ăn dặm kiểu Nhật các mẹ không dùng máy xay để xay nhuyễn đồ ăn, thay vào đó là chỉ dùng cối giã, rây để làm mịn thức ăn cho bé.
Không đặt áp lực quá lớn về chỉ tiêu cân nặng của bé: Ở giai đoạn đầu khi ăn dặm kiểu Nhật con sẽ không tăng cân nhiều như ăn dặm truyền thống. Tuy nhiên các mẹ không cần quá lo lắng vì mục tiêu của phương pháp này chính là kích thích con ăn ngon, tiêu hóa tốt, tạo cho con niềm vui và tính tự lập trong ăn uống. Việc bé ăn dặm nhưng vẫn kết hợp với bú sữa mẹ và sữa công thức sẽ đảm bảo con vẫn được cung cấp đủ dinh dưỡng.
☛ Đọc thêm bài: Các tiêu chí chọn bột ăn dặm công thức cho bé
Dụng cụ cần chuẩn bị khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Ghế ăn
Giúp con cố đinh, ngồi vững và tập trung hơn khi ăn. Có rất nhiều loại ghế ăn dặm khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện kinh tế mà các mẹ có thể chọn loại phù hợp. Lời khuyên là nên mua loại có mặt bàn rộng để con có thể thoải mái bốc xúc thức ăn và đặc biệt nên tránh những loại ghế có đồ chơi kèm theo, chúng sẽ khiến con xao nhãng, mất tập trung khi ăn uống.
Yếm ăn
Yếm ăn dặm sẽ hạn chế được tình trạng thức ăn bám vào quần áo hay rơi vãi thức ăn xuống sàn nhà trong quá trình con ăn. Yếm ăn dặm cũng có rất nhiều loại, có thể bằng nhựa dẻo, bằng nilon hoặc bằng vải. Yếm nhựa tuy hơi đắt tiền nhưng nhanh khô, dễ vệ sinh. Yếm nilon giá mềm và tiện dụng hơn nhưng lại khá nóng và khó chịu. Còn yếm vải đơn giản, giá rẻ nhưng lại khó vệ sinh và lâu khô.
Bộ dụng cụ chế biến
Dụng cụ chế biến đồ ăn dặm kiểu Nhật có rất nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như bộ cối giã, bàn mài, rây miết, nồi nấu cháo (lon nấu cháo)… Công dụng là tạo độ mịn, độ thô phù hợp cho từng giai đoạn ăn dặm của trẻ.
Khuôn bảo quản thức ăn
Với ăn dặm kiểu Nhật, mẹ có thể chế biến thức ăn một lần xong bảo quản đông lạnh để cho những lần sau. Chính vì vậy khuôn bảo quản thức ăn là rất cần thiết. Nên chọn khuôn được làm bằng chất liệu cao cấp, an toàn.
Dụng cụ cho bé ăn: Chén muỗng, cốc tập uống
Dụng cụ cho bé ăn như chén, muỗng, cốc… các mẹ cũng chú ý lựa chọn những loại có chất liệu tốt, không độc hại, màu sắc bắt mắt để tạo hứng thú cho con. Với muỗng thì nên mua loại muỗng nhựa mềm, nông lòng, nhỏ vừa với miệng bé. Mẹ hãy mua nhiều muỗng hơn, khoảng 10 cái để bé khám phá đồ ăn, nếu bé có quăng muống đi thì mẹ lại đưa cho bé một chiếc muỗng mới.
Ngoài ra, nếu mẹ nào có điều kiện thì có thể sắm thêm các vật dụng như lon nấu cháo, cân định lượng, nồi chảo nhỏ…
Thực đơn 30 ngày ăn dặm kiểu Nhật cho bé mới bắt đầu
Với những mẹ mới bắt đầu cho con ăn dặm kiểu Nhật, chắc hẳn sẽ rất bối rối trong việc lên thực đơn cho con. Dưới đây chúng tôi xin gợi ý thực đơn 30 ngày cho bé, mẹ có thể tham khảo.
Đầu tiên, vì ở giai đoạn 6 tháng, hệ tiêu hóa của con còn rất non yếu nên việc chuyển hóa và hấp thu sẽ gặp khá nhiều hạn chế. Vậy nên, khi mới cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ nên ưu tiên nấu cháo cho con bằng nước lọc hoặc nước dashi.
Nước dashi là nước dùng phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản, được các mẹ Nhật ưa dùng cho bé ăn dặm. Dashi rất đa dạng, có thể nấu từ rong biển, cá khô hoặc các loại rau củ quả.
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật ngày thứ 1,2,3
Cháo trắng rây mịn tỷ lệ 1 gạo và 10 nước. Nấu gạo đến khi nở đều xong lọc qua rây cho nhuyễn, tiếp tục cho thêm nước dashi vào nấu đến khi đạt độ loãng phù hợp (gần với sữa mẹ) thì cho bé ăn. Chỉ cần cho bé ăn mỗi lần 1 thìa để tập làm quen.
Ngày thứ 4,5
- Cháo trắng rây mịn như những ngày trước nhưng số lượng tăng lên 2 thìa 1 lần.
- Có thể bổ sung thêm cà rốt nghiền nhuyễn.
Menu ăn dặm kiểu Nhật ngày thứ 6
- Cháo trắng nấu với nước dashi rây mịn tỷ lệ 1:10
- Su su hấp xong nghiền nhuyễn
Thực đơn ngày thứ 7
- Cháo nấu với nước dashi tỷ lệ 1:10 rây mịn
- Bí đỏ hấp chín xong nghiền nhuyễn.
Ngày thứ 8
- Cháo nấu với nước dashi tỷ lệ 1:10 rây mịn trộn với bông cải xanh đã được hấp và chín nghiền nhuyễn.
- Chuối chín dầm nát (chỉ cần 1 khoanh nhỏ và để vào 1 bát riêng)
Ngày thứ 9
- Cháo trắng rây mịn trộn với rau mùng tơi hấp xong nghiền nhuyễn
- Đu đủ chín nghiền qua rây lưới.
Ngày thứ 10
- Súp khoai tây nghiền với nước dashi: Khoai tây hấp chín, nghiễn nhuyễn xong trộn với nước dashi đến độ sệt vừa phải
- Củ cải hấp rây nhuyễn
Ngày thứ 11
- Khoai lang hấp chín, rây mịn trộn với nước dashi (giống súp khoai tây)
- Nước ép lê
Ngày thứ 12
- Cháo trắng nấu nước dashi tỷ lệ 1:10
- Đậu hũ nghiền mịn + cà chua luộc chín, bỏ vỏ và hạt xong rây nhuyễn.
Ngày thứ 13
- Cháo trắng rây mịn tỷ lệ 1:10 trộn với rau cải thìa hấp chín rây nhuyễn.
- Khoai tây nghiền trộn sữa chua không đường.
- Nước ép dưa hấu
Ngày thứ 14
- Cháo bánh mỳ: Ruột bánh mỳ nấu cùng nước dashi cho mềm rồi lọc và rây mịn.
- Cà rốt hấp chín, rây mịn trộn cùng sữa chua không đường theo tỷ lệ 2 cà rốt 1 sữa chua.
Ngày thứ 15
- Cháo trắng nấu cùng nước dashi tỷ lệ 1:10 + một ít phô mai.
- Cà chua luộc chín, bỏ vỏ và hạt xong nghiền nhuyễn.
- Tráng miệng bằng sữa chua không đường.
Ngày thứ 16
- Cháo trắng rây mịn + su su luộc nghiền nhuyễn + dầu óc chó.
- Sữa đậu nành.
- Đậu hũ non
Ngày thứ 17
- Cháo trắng nấu nước dashi tỷ lệ 1:10.
- Lê hấp nghiền nhuyễn trộn với sữa.
Ngày thứ 18
- Cháo trắng rây mịn.
- Khoai lang nghiền trộn sữa chua không đường
Ngày thứ 19
- Cháo trắng nấu cùng nước dashi tỷ lệ 1:10 rây mịn.
- Đu đủ chín rây nhỏ.
- Nước ép cà rốt (cà rốt đã hấp chín chứ không phải cà rốt tươi)
Ngày thứ 20
- Cháo trắng rây mịn + đậu hũ rây mịn + rau mùng tơi hấp nghiền nhuyễn.
- Tráng miệng bằng chuối rây mịn.
Ngày thứ 21
- Cháo trắng rây mịn tỷ lệ 1:10
- Bắp cải tím + bí ngòi hấp xong rây mịn.
- Khoai lang hấp chín, rây mịn trộn với sữa đậu nành.
Ngày thứ 22
- Cháo yến mạch nấu nước dashi rây mịn.
- Cà rốt hấp chín nghiền nhuyễn.
Ngày thứ 23
- Cháo trắng nấu nước dashi tỷ lệ 1:10 trộn với bông cải xanh hấp chín, nghiền nhuyễn.
- Tráng miệng bằng nước ép dưa hấu.
Ngày thứ 24
- Cháo bánh mỳ (ruột bánh mỳ nấu cùng nước dashi)
- Rau chân vịt hấp chín, nghiền nhuyễn.
Ngày thứ 25
- Khoai lang hấp chín, nghiền nhuyễn trộn cùng sữa mẹ.
- Bí ngòi nghiền.
Ngày thứ 26
- Cháo trắng rây mịn tỷ lệ 1:10 trộn với rau mùng tơi hấp chín, nghiền nhuyễn.
- Bí đỏ hấp rây mịn.
Ngày thứ 27
- Cháo trắng rây mịn trộn cải bó xôi rây mịn.
- Cà rốt + khoai tây hấp chín xong nghiền nhuyễn.
Ngày thứ 28
- Nui luộc chín mềm trộn nước dashi xong rây mịn.
- Vú sữa rây nhỏ.
Ngày thứ 29
- Cháo trắng nấu nước dashi tỷ lệ 1:10 rây mịn.
- Cà rốt hấp chín, nghiền nhuyễn.
- Táo hấp nghiền nhuyễn xong trộn với sữa.
Ngày thứ 30
- Cháo hạt sen rây mịn.
- Bầu luộc nghiền nhuyễn.
- Vú sữa rây mịn.
Lưu ý khi lên thực đơn ăn dặm kiểu Nhật những ngày đầu cho bé
Khi xây dựng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật trong 30 ngày đầu tiên, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau để quá trình ăn dặm của con trở nên hoàn hảo, mang lại lợi ích sức khỏe tốt nhất:
- Trong quá trình ăm dặm, các mẹ vẫn tiếp tục cho con bú hoặc dùng sữa công thức vì đây là nguồn cung cấp 90% dinh dưỡng cho bé.
- Không thêm bất cứ gia vị nào vào đồ ăn của trẻ.
- Cháo cần nấu đúng theo tỷ lệ 1 phần gạo 10 phần nước
- Lượng tinh bột tăng dần theo thời gian, ngày đầu là 5ml/ngày, cứ sau 3 ngày lại tăng thêm 5ml.
- Lượng đạm khoảng 5-10g/ngày. Rau xanh khoảng 5-20g/ngày.
- Với trái cây cứng thì nên hấp xong nghiền nhuyễn cho bé ăn. Trái cây mềm thì dằm nát hoặc rây mịn.
Quá trình cho con ăn dặm kiểu Nhật sẽ không hề đơn giản, vậy nên mẹ cần chuẩn bị cho mình thật nhiều kiến thức cũng như tâm lý vững vàng cùng con đồng hành qua giai đoạn này. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp đã giúp mẹ hiểu hơn phần nào về phương pháp này, đồng thời có thêm tự tin để quá trình ăn dặm của con đạt hiệu quả tốt nhất.
☛ Đọc thêm: Tổng hợp các loại bánh ăn dặm cho trẻ