Hiện nay, số ca mắc bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em ngày càng tăng cao và có xu hướng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng vô cùng khó chịu và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ, cha mẹ hãy cùng dành thời gian theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?
Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc mắt) là bệnh nhiễm trùng phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này cao nhất. Đau mắt đỏ thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, lúc này cơ thể trẻ khá nhạy cảm nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh ngoài môi trường.
Đau mắt đỏ không chỉ gây nhiều triệu chứng khó chịu, bệnh còn có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ mắt của người mắc bệnh. Do vậy, phát hiện sớm và điều trị đúng cách đau mắt đỏ ở trẻ sẽ góp phần quan trọng giúp giảm nhẹ bệnh và ngăn ngừa bệnh phát tán.
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Đau mắt đỏ ở trẻ em được xác định do nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, trong đó virus là nguyên nhân gây đau mắt đỏ phổ biến nhất. Theo kết quả nghiên cứu đầu năm 2023 của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, có 2 nhóm virus gây đau mắt đỏ phổ biến hơn cả là Enterovirus (chiếm đến 86% số ca mắc) và còn lại là do Adenovirus.
Ngoài ra, đau mắt đỏ còn có thể khởi phát do một số tác nhân gây bệnh khác như vi khuẩn (Staphylococcus aureus, cúm Haemophilus, phế cầu, lậu cầu,…) hoặc do tiếp xúc với các dị nguyên như hóa chất độc hại, dị vật, nhiễm độc,…
Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Các triệu chứng ban đầu của đau mắt đỏ thường xuất hiện sau 3 – 7 ngày kể từ khi tác nhân gây bệnh tiếp xúc với cơ thể. Ở trẻ nhỏ, bệnh đau mắt đỏ có thể xuất hiện những triệu chứng dưới đây:
- Xung huyết kết mạc (đỏ mắt) ở một hoặc cả hai mắt.
- Cảm giác cộm mắt, như có hạt cát bên trong mắt.
- Kích ứng mắt, khó chịu, đau, chảy nước mắt, ngứa ở một hoặc cả hai mắt.
- Mắt trẻ có nhiều ghèn rỉ (rỉ màu trắng hoặc xanh, vàng).
- Sưng mí mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
Ngoài ra, trẻ còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như sốt nhẹ, đau họng, viêm đường hô hấp, viêm mũi,… Một số ít trường hợp đau mắt đỏ có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc.
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ có nguy hiểm không?
Nhìn chung, đau mắt đỏ ở trẻ thường khá lành tính và hầu như không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe của trẻ. Đau mắt đỏ do dị ứng thường diễn biến nhẹ và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Đau mắt đỏ do virus có thể tự thuyên giảm sau 1 – 2 tuần mà không phải điều trị y tế. Đối với đau mắt đỏ do vi khuẩn, bệnh thường cải thiện sau 1 – 2 ngày sau khi được điều trị đúng cách.
Mặc dù đau mắt đỏ là bệnh phổ biến và khá lành tính nhưng tuyệt đối không nên chủ quan. Một số trường hợp đau mắt đỏ bội nhiễm nghiêm trọng gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc sâu, viêm mủ túi lệ,… dẫn đến sẹo giác mạc và suy giảm thị lực.
Cách điều trị khi trẻ bị đau mắt đỏ
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Dưới đây là một số loại thuốc nhỏ mắt có thể được bác sĩ kê đơn trong điều trị đau mắt đỏ ở trẻ:
- Nước muối sinh lý: Dùng nước muối sinh lý có tác dụng rửa mắt, vệ sinh mắt và ngăn ngừa bội nhiễm hiệu quả.
- Thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh: Thuốc được chỉ định cho trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra. Có nhiều loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh điều trị đau mắt đỏ cho trẻ nhue Tobramycin, Ciprofloxacin, Ofloxacin,…
- Thuốc nhỏ mắt có Corticoid: Thuốc được chỉ định trong trường hợp viêm kết mạc nặng, tuy nhiên liều dùng và thời gian dùng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có Corticoid khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ
Chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà đúng cách là biện pháp giúp tăng cường hiệu quả điều trị cũng như giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời ngăn ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng. Cha mẹ có thể tham khảo một số hướng dẫn chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà dưới đây.
Giữ vệ sinh mắt
Vệ sinh mắt là việc không thể thiếu trong khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ. Ngoài việc rửa mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, cha mẹ có thể lấy một miếng gạc sạch hoặc khăn mềm sạch thấm ướt nước sau đó lau sạch và lấy hết ghèn mắt cho trẻ.
Lưu ý, nếu trẻ chỉ bị đau mắt đỏ một bên mắt, cha mẹ nên vệ sinh mắt còn lại trước. Gạc sau khi sử dụng vệ sinh mắt cho trẻ nên bỏ đi và không sử dụng lại, nếu dùng khăn, cha mẹ hãy chú ý giặt riêng và khử khuẩn đúng cách, không dùng chung khăn với trẻ đang mắc bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ không nên đưa tay dụi mắt vì có thể gây bội nhiễm hoặc tổn thương mắt nghiêm trọng hơn.
Ngăn ngừa lây nhiễm
Đối với đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn, nếu không chăm sóc đúng cách, bệnh rất dễ lây lan sang mọi người xung quanh. Thêm vào đó, tác nhân gây bệnh chủ yếu nằm trong ghèn rỉ và nước mắt của trẻ. Do vậy, các đồ dùng cá nhân của trẻ như khăn tay, đồ chơi, quần áo,… của trẻ cần được để riêng và vệ sinh, khử trùng hàng ngày để tránh lây lan bệnh.
Ngoài ra, trẻ bị đau mắt đỏ nên hạn chế tiếp xúc với người khác. Cha mẹ không nên đưa trẻ đến nơi đông người, khi đưa trẻ ra ngoài nên chuẩn bị cho trẻ các biện pháp phòng ngừa phù hợp như đeo kính chắn bọt, kính bảo vệ mắt, đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng,…
Chăm sóc dinh dưỡng
Phần lớn ca mắc đau mắt đỏ hiện nay là do virus, vì vậy, việc chăm sóc dinh dưỡng góp phần quan trọng giúp bồi bổ sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể có đủ khả năng chống chọi lại với bệnh tật. Một số lưu ý về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị đau mắt đỏ cha mẹ có thể tham khảo:
- Đối với trẻ sơ sinh: Nên cho bé tăng cường bú mẹ thường xuyên, sữa mẹ sẽ cung cấp dinh dưỡng và kháng thể giúp nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
- Đối với trẻ nhỏ: Cha mẹ nên bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng của trẻ những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như bông cải xanh, cà rốt, cà chua, cam, bưởi, bơ, dâu tây,… Những thực phẩm này không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng mà còn giúp hỗ trợ thị lực cho trẻ, giúp bệnh nhanh hồi phục.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ uống đủ nước, hạn chế ăn một số thực phẩm dễ gây kích ứng như hải sản, đồ cay nóng, thức uống có gas, đồ ăn nhanh,…
Theo dõi diễn biến bệnh
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ cần lưu ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ thường xuyên. Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời:
- Trẻ chảy nước mắt có mủ
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị đau mắt đỏ
- Trẻ sốt cao, phát ban
- Triệu chứng đau mắt đỏ không có dấu hiệu cải thiện
Trên đây là những thông tin về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em và các biện pháp chăm sóc điều trị đúng cách. Nếu còn thắc mắc, cha mẹ hãy để lại thông tin bên dưới để được các chuyên gia tư vấn giải đáp hoàn toàn miễn phí!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355
- https://benhviennhitrunguong.gov.vn/canh-bao-dich-viem-ket-mac-cap-dau-mat-do-do-virus-dang-lay-lan-nhanh-dien-bien-phuc-tap.html