Với một số phương pháp ăn dặm, đặc biệt là ăn dặm kiểu Nhật thì việc bảo quản, cất trữ đồ ăn cho bé là rất cần thiết. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng biết cách bảo quản, lưu trữ đồ ăn dặm cho bé an toàn, không mất chất. Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ cách bảo quản đồ ăn dặm đúng, các mẹ cùng tham khảo:
Mục lục
Lợi ích của việc bảo quản và lưu trữ đồ ăn dặm cho bé
Việc bảo quản, lưu trữ đồ ăn dặm cho bé sẽ mang tới những lợi ích như:
Giúp mẹ tiết kiệm thời gian và công sức:
Mẹ có thể nấu nhiều đồ ăn dặm một lần và bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông để sử dụng dần trong tuần. Khi cần cho bé ăn, mẹ chỉ cần hâm nóng lại và cho bé ăn ngay. Điều này giúp mẹ không phải nấu nhiều lần trong ngày và có thời gian làm những việc khác.
Giúp giữ được chất lượng và dinh dưỡng của thức ăn:
Nếu để đồ ăn dặm ngoài không khí, thức ăn sẽ bị ôi thiu, mất mùi vị và giảm chất dinh dưỡng. Nếu bảo quản đồ ăn dặm trong tủ lạnh hoặc tủ đông, thức ăn sẽ được giữ nguyên hương vị, màu sắc và chất dinh dưỡng. Điều này giúp bé ăn ngon miệng hơn và hấp thu tốt hơn các chất cần thiết cho sự phát triển.
Giúp đa dạng hóa thực đơn cho bé:
Mẹ có thể nấu nhiều loại đồ ăn dặm khác nhau và bảo quản để cho bé thử dần. Điều này giúp bé làm quen với nhiều loại thức ăn khác nhau, kích thích vị giác và tăng cường hệ miễn dịch. Mẹ cũng có thể kết hợp các loại đồ ăn dặm để tạo ra những món mới lạ và hấp dẫn cho bé.
☛ Có thể bạn quan tâm: Cho bé ăn dặm thời điểm nào là tốt nhất?
Những dụng cụ bảo quản và lưu trữ độ ăn dặm
Khay trữ đông: Là dụng cụ cần thiết và hữu ích khi muốn bảo quản đồ ăn dặm trong ngăn đông. Khay trữ đông giúp mẹ có thể dễ dàng chia thức ăn vào các ô nhỏ với lượng vừa đủ cho một bữa ăn hoặc một ngày ăn của bé. Sau đó, mẹ bịt kín khay lại đồng thời đánh dấu thời gian và tên thức ăn lên phía trên nắp. Các khay trữ đông thường được làm bằng chất liệu chịu nhiệt, không bị biến dạng nên rất an toàn cho trẻ nhỏ.
Hộp bảo quản thực phẩm: Mẹ nên chọn những loại hộp được làm bằng chất liệu cao cấp, an toàn, sạch sẽ, có nắp kín và có thể sử dụng được trong tủ lạnh và tủ đông. Nên chọn những hộp có kích thước phù hợp với lượng thức ăn của bé để tránh lãng phí, đỡ tốn diện tích. Ngoài hộp thì mẹ có thể sử dụng túi bảo quản nó khóa zip để lưu trữ các loại thức ăn lỏng như cháo, súp cho bé.
Tủ lạnh: Giúp bảo quản đồ ăn cho bé ở nhiệt độ chuẩn, phù hợp, hạn chế sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn, đảm bảo thức ăn tươi ngon, giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bệnh liên quan đến tiêu hóa.
Máy xay: Có công dụng chế biến các loại thực phẩm như rau củ, trái cây, thịt cá… thành dạng mềm, nhuyễn, phù hợp với khả năng nhai của bé. Mẹ có thể chọn máy xay sinh tố, máy xay thịt hoặc máy xay chậm tùy theo nhu cầu sử dụng.
Lò vi sóng: Giúp rã đông hoặc hâm nóng lại đồ ăn dặm cho bé khi đã bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Lò vi sóng không chỉ làm đồ ăn nóng đều mà còn giúp giữ được hương vị của thức ăn.
Thời hạn bảo quản các món ăn dặm cho bé
Mỗi loại thức ăn được bảo quản trong tủ lạnh đều có thời hạn nhất định. Các mẹ chú ý không được sử dụng đồ ăn đã quá hạn vì chất dinh dưỡng đã sụt giảm, thậm chí sinh các chất độc gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng.
Dưới đây là thời hạn bảo quản của một số loại thực phẩm cơ bản:
- Thịt lợn, thịt bò: Bảo quản trong ngăn mát từ 2-4 độ C, hạn sử dụng trong 1-2 ngày. Bảo quản trong ngăn đông, nhiệt độ -18 độ C trở xuống, hạn dùng từ 1-3 tháng. Tuy nhiên, Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng Anh khuyến cáo chỉ nên cho trẻ sử dụng thịt để ngăn đông trong vòng 7 ngày.
- Cá, hải sản, thịt gia cầm: Để trong ngăn mát (2-4 độ C) trong vòng 1 ngày. Bảo quản trong ngăn đông (dưới 18 độ C) trong khoảng từ 1-3 tháng. Nhưng tốt nhất nên cho bé sử dụng thực phẩm này để trong ngăn đông từ 4-5 ngày.
- Rau củ: Với các loại rau có lá bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 2-4 ngày. Còn các loại củ thì lâu hơn, có thể để tới 10 ngày.
- Trái cây: Tuỳ thuộc vào từng loại trái cây mà các mẹ có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh theo thời gian nhất định. Chẳng hạn như: Chuối (1-2 ngày); Bơ (3 ngày); Mãng cầu (3 ngày); Nho (5 ngày); Kiwi (7 ngày); Táo (2-4 tuần).
- Nấm: Nếu cho vào túi giấy và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sẽ sử dụng được trong 5 ngày. Trước khi nấu cần rửa lại thật sạch.
- Thức ăn lỏng như chè, sữa, nước canh hay nước sốt: Bảo quản trong ngăn mát trong 24 giờ, ngăn đông 2-3 ngày.
- Đồ ăn đã nấu chín, xay nhuyễn: Nên làm lạnh ngay khi nấu xong, để trong ngăn mát dùng được 1-2 ngày, trữ ngăn đông dùng trong 2-3 tuần.
Các mẹ nên chia các món ăn dặm theo khẩu phần của bé, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian đong đếm khi dùng. Ngoài ra, sau khi rã đông đồ ăn, các mẹ cần hâm nóng lại cho bé ăn luôn và lưu ý không nên trữ đông trở lại.
☛ Đọc thêm: 5 loại bột ăn dặm cho bé TỐT hiện nay!
Cách bảo quản đồ ăn dặm cho bé
Chuẩn bị đồ ăn dặm
Quá trình chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé rất quan trọng, mẹ cần chú ý những vấn đề sau:
- Chọn nguyên liệu tươi ngon, chất lượng, an toàn, không chất bảo quản, không chất kích thích, ưu tiên thực phẩm organic.
- Dụng cụ chế biến đồ ăn như dao, thớt, rổ, nồi, chảo, bát, máy xay… phải được vệ sinh sạch sẽ.
- Sử dụng dao thớt riêng biệt cho đồ sống và đồ chín, đồng thời nhớ rửa sạch khi chuyển từ một loại thực này sang một loại thực phẩm khác. Nên dùng thớt bằng nhựa và thủy tinh, hạn chế dùng thớt gỗ vì nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn.
- Rửa sạch tay trước khi bắt đầu chế biến đồ ăn cho bé.
- Có 4 phương pháp nấu ăn cơ bản đó là hấp, luộc, nướng và lò vi sóng. Tùy theo loại thực phẩm và thực đơn ăn dặm mà mẹ có thể chọn phương pháp nấu phù hợp. Hấp được xem là cách nấu tốt nhất giúp giữ lại chất dinh dưỡng của thực phẩm nên được phần lớn các mẹ áp dụng.
- Thức ăn vừa nấu xong nên để nguội bớt rồi đưa vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ vì sau khoảng thời gian này vi khuẩn rất dễ phát triển nếu để ở nhiệt độ thường.
Bảo quản đồ ăn dặm trong ngăn mát tủ lạnh
Cách bảo quản đồ ăn dặm trong tủ mát rất đơn giản, đồ ăn sau khi chế biến xong, mẹ chỉ cần cho vào hộp hoặc túi bọc kín lại rồi cho vào ngăn mát (nhiệt độ 2-4 độ C) của tủ lạnh.
Khi cần cho bé ăn thì lấy đồ ăn ra xong hâm nóng lại. Cách này rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian nhưng chất dinh dưỡng phần nào sẽ bị hao hụt, thời gian bảo quản không được lâu, chỉ trong khoảng 1-2 ngày.
Cách cấp đông đồ ăn dặm cho bé
Cấp đông là cách bảo quản và lưu trữ đồ ăn dặm cho bé được nhiều mẹ áp dụng, nhất là những mẹ bận rộn. Phương pháp này giúp giữ đồ ăn được an toàn trong khoảng thời gian dài, đồng thời có thể lưu trữ được một lượng lớn thức ăn cho bé.
Đồ ăn sau khi nấu xong, trước khi cho vào cấp đông mẹ phải làm nguội càng nhanh càng tốt để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Nếu để ở nhiệt độ phòng sau 2 tiếng thì nên bỏ đi, đồ ăn lúc này sẽ không an toàn cho bé. Ngâm cả nồi thức ăn vào chậu nước lạnh được xem là mẹo giúp làm nguội đồ ăn nhanh chóng.
Có nhiều cách cấp đông đồ ăn dặm khác nhau, hiệu quả mang lại thì tương tự nhau, chỉ khác nhau ở chỗ chiếm diện tích tủ lạnh nhiều hay ít. Dưới đây là 5 cách cấp đông đồ ăn, mẹ có thể tham khảo:
Cách 1: Dùng khay đá
Rửa sạch khay đá. Nên chọn khay đá có nắp, nếu không có nắp thì dùng thêm màng bọc thực phẩm.
Thức ăn chế biến xong để nguội bớt rồi chia vào các ô của khay đá. Tiếp đó, đặt khay vào ngăn đá của tủ lạnh.
Khi các khối thức ăn đã đông cứng, lấy ra xong cho vào các túi zip với lượng vừa đủ khẩu phần ăn của bé.
Khi cho bé ăn, mẹ có thể pha trộn các viên thức ăn khác nhau để biến tấu thành nhiều vị giúp con ngon miệng hơn.
Cách 2: Dùng khuôn silicon
Cách này tương tự như cách 1 nhưng thay khay đá bằng khuôn silicon. Khuôn silicon sẽ giúp lấy viên thức ăn ra dễ dàng hơn.
Cách 3: Dùng khay nướng bánh quy
Nếu không có các vật dụng khuôn khay phù hợp để cấp đông thức ăn, mẹ có thể dùng khay nướng bánh quy để thay thế. Khay nướng bánh sẽ chiếm nhiều diện tích tủ đông và không sử dụng được với thức ăn quá loãng.
Mẹ múc thức ăn đã chế biến lên khay, tạo thành các gò nhỏ (giống kiểu đổ bột lúc nướng bánh quy). Sau đó bọc khay lại bằng màng bọc thực phẩm hoặc giấy bạc. Tiếp đến cho khay vào ngăn đá đến khi thức ăn được đông cứng hoàn toàn. Xong lấy thực phẩm ra và cho vào các túi zip
Cách 4: Cho vào lọ chuyên dụng
Chuẩn bị lọ chuyên dụng dùng để cấp đông thức ăn cho trẻ. Lọ này được làm từ vật liệu chuyên dụng, an toàn, chịu được sự giãn nở của thực phẩm khi cấp đông.
Không nên dùng lọ thủy tinh để cấp đông đồ ăn vì chúng không đủ mạnh để chịu được áp lực trong ngăn đá, chúng rất dễ nứt vỡ khiến các mảnh thủy tinh nhỏ bị lẫn vào trong đồ ăn, gây nguy hiểm cho trẻ.
Thức ăn sau khi chế biến được chia vào các lọ chuyên dụng với lượng vừa đủ theo bữa ăn của trẻ rồi đặt trực tiếp vào ngăn đá để lưu trữ, bảo quản.
Cách 5: Dùng khay đông thức ăn chuyên biệt
Cách này được nhiều mẹ áp dụng nhất vì khay chuyên biệt được sản xuất bằng chất liệu an toàn, phù hợp với môi trường của ngăn đá, có nhiều mẫu mã và kích thước nên thoải mái lựa chọn.
Cách cấp đông cũng giống như cách 1: Cho thức ăn đã chế biến vào khay sau đó cho vào ngăn đá cấp đông như bình thường.
Cách rã đông đồ ăn dặm đông lạnh cho bé
Đun cách thủy
Cách này giúp giữ lại được phần lớn vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm. Mẹ chỉ cần cho các viên thức ăn đông lạnh vào trong bát, sau đó mang đi hấp cách thủy với lượng nước vừa đủ, tránh bị tràn khi sôi. Đun lửa nhỏ đến khi thức ăn tan ra là được.
Dùng lò vi sóng
Đây được xem là cách rã đông đơn giản và nhanh chóng nhất. Các viên thức ăn được để vào bát sau đó cho vào lò vi sóng, cài đặt nhiệt độ và thời gian thích hợp là xong.
Rã đông bằng ngăn mát
Phương pháp rã đông này được xem là tốt và an toàn nhất nhưng cũng tốn nhiều thời gian nhất. Thực phẩm cấp đông được để xuống dưới ngăn mát để rã đông dần. Nếu các mẹ chưa dùng ngay thì vẫn có thể bảo quản thêm được vài ngày nữa.
Ngâm rã đông
Mẹ lấy thực phẩm đông lạnh cho vào túi nhựa buộc kín lại sau đó ngâm vào bát nước ấm hoặc nóng. Cách làm này tuy tốn thời gian (mất tới 10-20 phút) nhưng thực phẩm được rã đông đều.
Lưu ý khi bảo quản và lưu trữ đồ ăn dặm cho bé
Dưới đây là một vài lưu ý cho mẹ khi bảo quản và lưu trữ đồ ăn cho bé:
- Hầu hết các loại đồ ăn nên bảo quản trong ngăn mát tối đa 2 ngày và ngăn đông là 7 ngày để đảm bảo an toàn cũng như dinh dưỡng.
- Đồ ăn sau khi rã đông nên dùng ngay hoặc để ngăn mát tối đa 24 giờ và không được đông lạnh lại lần nữa.
- Tủ lạnh trữ đồ ăn phải luôn giữ nhiệt độ ổn định, tránh việc mở tủ quá nhiều lần khiến nhiệt độ thay đổi, dễ làm hỏng thức ăn.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại hộp thủy tinh để trữ đông đồ ăn vì thủy tinh dễ bị nứt, vỡ khi để trong ngăn đá gây nguy hiểm.
- Không rã đông thức ăn ngoài không khí vì đây sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, xâm nhập vào đồ ăn.
- Lúc cấp đông thực phẩm, mẹ nên chia nhỏ thức ăn theo khẩu phần của bé, đồng thời dán giấy ghi tên thực phẩm, ngày cấp đông lên trên hộp/túi để tránh trường hợp bị quên.
- Thực phẩm đã rã đông sử dụng còn thừa thì nên bỏ đi, không nên cho vào bảo quản thêm lần nữa vì sẽ làm giảm chất lượng và dinh dưỡng của đồ ăn.
- Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh để hạn chế vi khuẩn phát triển và lây lan.
Trên đây là cách bảo quản và lưu trữ đồ ăn dặm cho bé an toàn, đúng cách, không bị mất chất, các mẹ có thể tham khảo và áp dụng. Việc bảo quản đồ ăn đúng sẽ giúp bé có một sức khỏe tốt, phát triển toàn diện hơn. Hi vọng những thông tin này giúp mẹ có thêm kiến thức, tự tin trong hành trình chăm sóc con cái.