Bước sang tháng thứ 3, việc chăm sóc trẻ đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức đối với những người lần đầu làm cha mẹ. Vậy, bố mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời!
Mục lục
Trẻ 3 tháng tuổi phát triển như thế nào?
3 tháng đầu đời là một bước ngoặt quan trọng đối với nhiều em bé cũng như ba mẹ của chúng. Lúc này, em bé đã hoàn thành quý đầu tiên của năm đầu đời, chúng đã đạt được một số cột mốc quan trọng. Cụ thể:
Về thể chất
So với thời điểm sơ sinh, trẻ 3 tháng tuổi đã tăng hơn 30% trọng lượng cơ thể và 20% chiều dài cơ thể. Trong giai đoạn này, trẻ vẫn sẽ tăng trưởng với một tốc độ ổn định. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ 3 tháng tuổi có thể đạt được những cột mốc như sau:
- Chiều cao: Trung bình 61,4cm đối với bé trai và 59,8cm đối với bé gái.
- Cân nặng: Trung bình 6,4kg đối với bé trai và 5,8kg đối với bé gái.
- Chu vi vòng đầu: Trung bình 40,5cm đối với bé trai và 39,5cm đối với bé gái.
- Chu vi vòng ngực: Thường nhỏ hơn chu vi vòng đầu 2cm.
Về khả năng vận động
Thời điểm này, em bé đã trở nên cứng cáp hơn, đặc biệt là vùng đầu và cổ. Khi nằm ngửa, chúng đã có thể nâng đầu lên và giữ trong vài phút. Nếu bé nằm sấp, chúng có thể chống tay nâng đầu và ngực lên cao. Một số trẻ có thể tự lật người hay tập lẫy.
Ngoài ra, ở giai đoạn 3 tháng tuổi, trẻ vận động tay và chân nhiều hơn. Nhiều trẻ bắt đầu đưa tay lên miệng mút tay, chúng có thể nắm chặt những đồ vật bên cạnh và đá chân khi nằm hoặc khi được bế.
Về các giác quan
Đến tháng thứ 3, các giác quan của trẻ đã có sự phát triển vượt trội và nhạy bén hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
- Thị giác: Em bé có thể nhìn rõ vài mét trước mắt và nhận ra những khuôn mặt quen thuộc. Bé thích nhìn các đồ vật có màu sắc tươi sáng, đường nét đậm, thiết kế đơn giản.
- Thính giác: Trẻ 3 tháng tuổi đã nhạy bén hơn với những âm thanh xung quanh, chúng có thể nhận ra những âm thanh quen thuộc, ví dụ như giọng nói của bố mẹ.
- Khứu giác và vị giác: Trẻ có thể nhận ra những mùi hương quen thuộc, nhờ đó chúng sẽ phân biệt được người lạ và người quen. Chúng thường thích vị ngọt và có thói quen cho tất cả mọi thứ vào trong miệng để cảm nhận.
- Xúc giác: Đối với trẻ 3 tháng tuổi, xúc giác tiếp tục phát triển mỗi ngày, trẻ sẽ thích thú khi cảm nhận các bề mặt và kết cấu khác nhau, do vậy, em bé sẽ vươn tay lấy đồ chơi nhiều hơn và thích thú khi chạm vào chúng.
Về tương tác xã hội và cảm xúc
Trẻ 3 tháng tuổi đã có thể nhận ra những khuôn mặt quen thuộc, chúng sẽ cười thật tươi khi cha mẹ nói chuyện hay chơi với bé. Chúng có thể tập giao tiếp với mọi người bằng cách phát ra những âm thanh đơn giản như “ô”, “a”,…
Một số điều cần biết khi chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi
Song song với sự phát triển vượt trội về thể chất, kỹ năng và cảm xúc, “đồng hồ sinh học” của em bé có nhiều sự thay đổi, do vậy cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi cũng có nhiều sự khác biệt so với các giai đoạn trước.
Chế độ ăn của trẻ 3 tháng tuổi như thế nào?
Ở giai đoạn này, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ. Các chuyên gia dinh dưỡng vẫn luôn khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Thời điểm này, trẻ vẫn bú mẹ nhiều nhưng không thường xuyên như lúc mới sinh. Tuy nhiên, lượng sữa mỗi cữ bú sẽ nhiều hơn (khoảng 80-120ml mỗi cữ bú) và mẹ sẽ dễ dàng nhận biết các tín hiệu khi trẻ đói.
Lúc này, mẹ vẫn nên cho bé ăn theo nhu cầu và tăng số lần ăn khi cần thiết. Trong khi cho con bú, mẹ cũng nên tăng cường tương tác giữa mẹ và bé, tạo cho bé cảm giác thoải mái và hạnh phúc nhất. Khi bé bú đủ, trẻ sẽ mút chậm lại hoặc dừng lại và quay mặt đi chỗ khác.
Trẻ 3 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?
Bước sang tháng thứ 3, giấc ngủ của trẻ đã dần ổn định hơn. Trung bình trẻ 3 tháng tuổi thường ngủ khoảng 15 tiếng mỗi ngày, giấc ngủ thường kéo dài và sâu hơn vào ban đêm. Giai đoạn này, hệ thần kinh của trẻ đang trong giai đoạn hoàn thiện và dạ dày cũng phát triển lớn dần có thể chứa nhiều sữa hơn. Do vậy, giấc ngủ ban đêm thường kéo dài hơn sẽ giúp cha mẹ sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
☛ Có thể bạn quan tâm: Mẹ cần làm gì khi trẻ biếng ăn khó ngủ?
Trò chơi nào phù hợp với trẻ 3 tháng tuổi?
Với sự phát triển của các giác quan và khả năng vận động, trẻ 3 tháng tuổi đã bắt đầu khám phá thế giới, môi trường xung quanh bằng chính bàn tay của mình. Chúng sẽ tỏ ra thích thú khi được trò chuyện, chơi với mọi người xung quanh. Dưới đây là một số trò chơi gợi ý cha mẹ có thể chơi cùng với bé 3 tháng tuổi:
- Sử dụng một món đồ chơi yêu thích của bé, di chuyển trên không trung để bé nhìn theo.
- Cho bé chơi những món đồ chơi nhiều màu sắc, với hình dạng và kết cấu khác nhau để bé tự cầm và khám phá.
- Tạo các biểu cảm khuôn mặt để bé nhìn theo và bắt chước.
- Nhẹ nhàng di chuyển bàn chân của trẻ như đạp xe đạp.
- Nói chuyện với bé và chờ đợi bé phản hồi.
- Đọc cho bé nghe các câu chuyện, kể cả khi bé chưa hiểu gì nhưng sẽ giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ trong tương lai.
Trẻ 3 tháng tuổi thường gặp các vấn đề gì?
Mặc dù trẻ 3 tháng tuổi đã đạt được những cột mốc phát triển nhất định nhưng đôi khi vẫn sẽ gặp một số vấn đề về sức khỏe như:
- Trẻ bú ít, biếng bú: Tình trạng này có thể xảy ra khi trẻ đang gặp các vấn đề khác về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, viêm họng, viêm amidan, viêm lưỡi,… khiến chúng cảm thấy khó chịu khi bú mẹ. Ngoài ra, chất lượng sữa mẹ thay đổi, sữa mẹ ít cũng là nguyên nhân gây biếng bú ở trẻ 3 tháng tuổi. ☛ Xem chi tiết: Trẻ 3 tháng biếng ăn – Mẹ nên làm gì?
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện là nguyên nhân khiến trẻ dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu, kém hấp thu chất dinh dưỡng,…
- Trẻ bị bệnh đường hô hấp: Thường gặp như ho, hắt hơi, viêm họng, viêm amidan,… khiến trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch còn non yếu, cơ thể trẻ dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Trẻ chậm tăng cân, chậm lớn: Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6, trẻ có thể tăng khoảng 600-700g mỗi tháng. Nếu ít hơn chứng tỏ trẻ đang chậm tăng cân, tăng chiều cao, mẹ cần hết sức lưu ý và có những điều chỉnh phù hợp giúp bé sớm bắt kịp đà phát triển.
☛ Đọc thêm: Biếng ăn sinh lý ở trẻ 3 tháng tuổi và cách xử lý!
Lời khuyên về cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi
Trong những năm tháng đầu đời, chăm sóc trẻ như thế nào cho tốt luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Dưới đây là một số lời khuyên về cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi, cha mẹ có thể tham khảo áp dụng.
Cho bé ngủ đủ giấc
Như đã đề cập ở trên, thời gian ngủ của trẻ giai đoạn 3 tháng tuổi thường ngắn hơn so với giai đoạn 1 tháng tuổi. Bé có thể ngủ 3-4 giấc vào ban ngày, mỗi giấc thường kéo dài từ 1,5-2 giờ. Vào ban đêm, trẻ có thể ngủ sâu giấc hơn và giấc ngủ kéo dài khoảng 10 tiếng.
Do vậy, mẹ nên lưu ý đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc. Theo thống kê, có đến 95% trẻ dưới 12 tháng tuổi thức dậy ít nhất 3 lần mỗi đêm. Đây là vấn đề hoàn toàn tự nhiên và bình thường. Nếu trẻ thức giấc giữa đêm, hãy chờ khoảng 30 giây trước khi dỗ dành trẻ để tập cho chúng học cách tự ngủ lại.
☛ Đọc thêm: Nên cho bé ăn trước ngủ bao lâu để con ngủ ngon, tiêu hóa tốt?
Chú ý giữ an toàn cho bé
Trẻ 3 tháng tuổi khám phá thế giới bằng cách nắm lấy đồ vật xung quanh và cho vào miệng. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao và loại bỏ những mối nguy hiểm tiềm ẩn khỏi tầm với của bé. Hãy đảm bảo xung quanh bé không có những đồ vật quá nhỏ để tránh việc bé cho chúng vào miệng gây nghẹn.
Trò chuyện với bé nhiều hơn
3 tháng tuổi còn được gọi là giai đoạn em bé bắt đầu “hóng chuyện”, cha mẹ nên dành thời gian giao tiếp, trò chuyện với bé mỗi ngày. Khi trò chuyện, mẹ có thể nói chậm rãi, dùng nhiều ngữ điệu khác nhau để bé phát triển khả năng giao tiếp, ngôn ngữ về sau này.
Đảm bảo nguồn dinh dưỡng chất lượng
Để cho bé có nguồn dinh dưỡng tốt nhất đáp ứng nhu cầu phát triển, mẹ cần chú ý chế độ ăn uống của chính bản thân nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ. Hãy luôn giữ tinh thần thoải mái, ăn đủ chất để cung cấp cho cả mẹ và bé nguồn dưỡng chất quý giá nhất. Một số thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ, do vậy, nếu mẹ cần dùng thuốc điều trị trong giai đoạn này, tốt nhất cần thông báo với bác sĩ để tránh gây nguy hiểm cho bé.
Trong một số trường hợp, có thể mẹ cần kết hợp sử dụng sữa công thức để cung cấp dinh dưỡng cho bé. Mẹ nên chú ý lựa chọn loại sữa phù hợp với độ tuổi của bé, có hương vị gần giống sữa mẹ sẽ giúp bé dễ tiếp nhận hơn.
Tập cho bé nằm sấp
Khi bé được 3 tháng tuổi, mẹ nên tập cho bé nằm sấp để giúp tăng cường sức mạnh cho phần thân trên, giúp con dễ dàng nâng đầu và vai dậy. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý để mắt đến trẻ, sẵn sàng giúp đỡ khi chúng thấy mỏi hoặc khó chịu. Ngoài ra, tuyệt đối không nên đặt trẻ nằm sấp khi ngủ tránh gặp phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Vệ sinh cho bé đúng cách
Vấn đề vệ sinh cho trẻ 3 tháng tuổi vẫn luôn được chú ý. Cha mẹ vẫn nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, kết hợp với massage nhẹ nhàng để bé cảm thấy dễ chịu. Do làn da bé vẫn còn khá nhạy cảm, mẹ vẫn nên chọn các loại xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ tránh gây kích ứng da. Bên cạnh đó, chú ý vệ sinh lưỡi miệng, mắt, mũi, tai của trẻ bằng nước muối sinh lý để ngăn ngừa viêm nhiễm.
Theo dõi các chỉ số phát triển
Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, cha mẹ cũng nên quan tâm đến các chỉ số phát triển của bé. Các chỉ số này bao gồm chiều cao, cân nặng, chu vi vòng đầu, vòng ngực,… để biết được liệu em bé có đang phát triển bình thường hay không, cũng như sớm phát hiện các vấn đề về sức khỏe như còi xương, suy dinh dưỡng,…
Nuôi dạy trẻ luôn là một hành trình dài và nhiều thách thức, đòi hỏi những người làm cha mẹ phải không ngừng học hỏi và kiên nhẫn. Đối với trẻ 3 tháng tuổi, mặc dù mọi thứ đã dễ dàng hơn so với giai đoạn trước nhưng cũng có nhiều thách thức mới. Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp cha mẹ có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đảm bảo cho bé yêu phát triển tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mustelausa.com/blogs/mustela-mag/caring-for-your-3-month-old-baby
- https://www.verywellfamily.com/your-3-month-old-baby-development-and-milestones-4172049
- https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-development-3-months