Việc chăm sóc trẻ sơ sinh như một thử thách đầu tiên với những người lần đầu làm cha mẹ. Để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển khỏe mạnh của bé, cha mẹ cần tự trang bị cho mình những kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách. Bài viết dưới đây, Norikid Plus sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm hữu ích về cách chăm sóc trẻ sơ sinh giai đoạn 1 tháng đầu đời, cha mẹ không nên bỏ qua!
Mục lục
Sự phát triển của trẻ trong 1 tháng đầu đời
1 tháng đầu đời là giai đoạn rất quan trọng đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tập thích nghi với môi trường mới và có những thay đổi rõ rệt. Cụ thể:
Về thể chất
Cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết sự phát triển về thể chất của trẻ qua các chỉ số như cân nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng ngực và thóp:
- Cân nặng: Cân nặng trung bình của trẻ từ khi mới chào đời là khoảng 2,8 – 3,0kg, trong 6 tháng đầu trẻ tăng cân rất nhanh, trung bình mỗi tháng tăng 700g.
- Chiều cao: Chiều cao trung bình của trẻ mới sinh là khoảng 48 – 50cm, trong 3 tháng đầu đời trẻ có thể tăng 3,5cm mỗi tháng.
- Vòng đầu và vòng ngực: Trung bình vòng đầu của trẻ sơ sinh khoảng 34cm, vòng ngực là 32cm.
- Thóp: Khi mới sinh, thóp trước có kích thước khoảng 2,5×2,5cm, trong khoảng 2-3 tháng sau sinh, thóp sẽ lớn dần theo chu vi đầu của trẻ. Đến giai đoạn trẻ 1-1 tuổi rưỡi, thóp trước sẽ khép lại do xương phát triển lấp kín. Thóp sau có hình tam giác và thường kín ngay sau khi đẻ.
Về đặc điểm sinh lý
Đặc điểm sinh lý của trẻ trong giai đoạn 1 tháng đầu đời cũng có nhiều sự thay đổi. Ngay từ khi chào đời, trẻ đã có thể tự thở bằng phổi. Lúc này, vòng tuần hoàn của trẻ bắt đầu hoạt động thay cho tuần hoàn nhau thai, cơ thể trẻ được nuôi dưỡng qua việc bú mẹ, kích thích hệ tiêu hóa làm việc, thận của trẻ cũng bắt đầu đảm nhiệm chức năng điều hòa môi trường trong cơ thể, thay thế cho chức năng nhau thai.
Tuy nhiên, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở giai đoạn khởi đầu nên cơ thể trẻ 1 tháng sau sinh vẫn còn rất non yếu, chức năng của các cơ quan cũng chưa được hoàn thiện. Thêm vào đó, hệ thần kinh của trẻ luôn trong trạng thái bị ức chế, đó là lý do trẻ sơ sinh thường ngủ suốt cả ngày.
Về sức khỏe tâm thần và vận động
Trong giai đoạn 1 tháng tuổi, các giác quan của trẻ đã bắt đầu hoạt động. Trẻ đã có thể nghe thấy tiếng động, cảm nhận được mùi vị và biết đau. Lúc này, trẻ đã có những phản xạ tự nhiên như nuốt, bú mẹ, nắm chặt tay,… Trẻ cũng có thể xuất hiện các cử động tự phát, không có sự phối hợp, không có ý thức. Ngoài ra, trẻ 1 tháng tuổi cũng có những thích ứng với môi trường xung quanh bằng cách quan sát mọi thứ.
8 vấn đề thường gặp đối với trẻ từ 0-1 tháng tuổi
Với những người lần đầu làm cha mẹ, việc chăm sóc trẻ còn nhiều bỡ ngỡ. Hơn nữa, chức năng cơ thể trẻ vẫn chưa hoàn thiện nên rất dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp nhất:
Trẻ 1 tháng tuổi bị sốt
Sốt là dấu hiệu cảnh báo cơ thể trẻ đang chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, có thể là vi khuẩn, virus,… Nếu trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi sốt cao trên 38 độ C và dai dẳng không dứt, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để tránh nguy cơ gây co giật và tổn thương não.
Bé 1 tháng quấy khóc dai dẳng
Quấy khóc là một vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ quấy khóc liên tục, không có lý do, nhất là thường vào buổi tối, rất có thể trẻ đang xuất hiện cơn khóc co thắt. Cơn khóc co thắt có thể bắt đầu từ khi trẻ 2 tuần tuổi và sẽ giảm dần khi trẻ được 3 tháng tuổi.
Mặc dù chưa xác định nguyên nhân chính xác gây cơn khóc co thắt nhưng một số giả thuyết cho rằng có thể là do sự kích thích quá mức bởi ánh sáng, âm thanh, hoặc là do sự co thắt dạ dày, hệ tiêu hóa rối loạn,…
Vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da là hiện tượng xảy ra phổ biến, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi là do chức năng gan chưa phát triển không thể đào thải bilirubin ra khỏi cơ thể, khiến cho nồng độ chất này tăng cao trong máu gây sắc tố vàng trên da. Hầu hết trường hợp trẻ sơ sinh vàng da sẽ biến mất trong vòng 2-3 tuần tuổi, tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 tuần thì có thể là triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn khác, cha mẹ cần đưa bé đi kiểm tra.
Trẻ bị ọc sữa sau bú
Hiện tượng trẻ ọc sữa, nôn sữa sau khi bú xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân có thể là do trẻ bú quá no vượt sức chứa của dạ dày, hoặc là do tư thế bú chưa phù hợp khiến trẻ bị trào ngược sữa ra ngoài. Một số trường hợp trẻ nôn nhiều, trớ sữa liên tục, hoặc chất nôn có kèm theo mật xanh, vàng thì cha mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời.
Trẻ sơ sinh bỏ bú, biếng bú
Trẻ sơ sinh bỏ bú, bú ít có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là do trẻ đang gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, đau họng, nhiệt miệng, viêm lưỡi, viêm nướu,… Một số trường hợp trẻ đang bú ngoan tự nhiên biếng bú có thể là do trẻ cảm nhận thấy sữa mẹ có mùi vị lạ khiến chúng không còn cảm thấy ngon miệng. Ngoài ra, lượng sữa mẹ quá ít hoặc mẹ cho trẻ bú sai cách cũng khiến trẻ trở nên biếng bú, bỏ bú. Lúc này, cha mẹ cần có biện pháp điều chỉnh, tránh để tình trạng biếng ăn, biếng bú ảnh hưởng đến sức khỏe về sau này.
☛ Xem chi tiết: 5 giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy
Hệ tiêu hóa của trẻ 1 tháng tuổi còn non yếu nên thường gặp các vấn đề về tiêu hóa, trong đó có tiêu chảy. Cha mẹ có thể nhận biết hiện tượng này thông qua việc quan sát phân của trẻ. Chúng thường lỏng đến rất lỏng, thậm chí toàn là nước, đôi khi có lẫn chất nhầy và có mùi tanh khó chịu. Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện một số triệu chứng khác kèm theo như đau bụng sôi, nôn, ói, sốt cao,… Trường hợp trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trẻ 1 tháng tuổi bị táo bón
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào, tuy nhiên một số trường hợp trẻ 1 tháng tuổi khó hấp thu toàn bộ dinh dưỡng từ sữa mẹ nên dẫn đến hiện tượng táo bón. Một số trẻ có nhu động ruột chậm nên không đi ngoài thường xuyên. Cha mẹ có thể nhận biết táo bón ở trẻ qua tính chất phân, chúng thường cứng, khô, có hình viên hoặc dạng sệt đặc quánh không thấm vào tã. Ngoài ra, mỗi khi đi ngoài, trẻ thường có biểu hiện khó chịu và quấy khóc.
Các vấn đề về da ở trẻ sơ sinh
Một số vấn đề về da ở trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi có thể kể đến như hăm tã, cứt trâu, viêm da,… khiến chúng cảm thấy vô cùng khó chịu. Nguyên nhân là do da trẻ nhỏ rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng với hương liệu, chất nhuộm và các loại vải. Khi đó, cha mẹ cần quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh da cho trẻ để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh chuẩn khoa học
Thực ra việc chăm sóc trẻ sơ sinh không quá phức tạp nhưng đối với những ông bố bà mẹ lần đầu lên chức, đôi khi việc chăm sóc trẻ còn nhiều bỡ ngỡ và vụng về. Một số kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ cảm thấy tự tin hơn khi chăm sóc trẻ sơ sinh.
Giữ ấm cho trẻ
Với trẻ 1 tháng tuổi, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh vì nếu cơ thể bị nhiễm lạnh, nguy cơ trẻ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh là rất cao. Cha mẹ cần chú ý giữ ấm vùng đầu, vùng bụng, hai bàn tay và hai bàn chân. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể sử dụng thiết bị điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ để giúp trẻ cảm thấy ấm áp vào mùa đông, tuy nhiên tuyệt đối không dùng than, hơ lửa để sưởi ấm cho trẻ vì có thể gây ngộ độc, nhiễm trùng da bé.
Chăm sóc khi trẻ bú
Trẻ sơ sinh có nhu cầu bú mẹ rất cao nên cha mẹ cần đáp ứng nhu cầu của trẻ ngay từ khi chào đời. Cha mẹ có thể cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ thấy đói mà không theo một giờ giấc cố định. Khi trẻ bú sữa, để đảm bảo trẻ được thoải mái nhất, tránh ọc sữa trớ sữa thì mẹ nên chú ý tư thế cho trẻ bú đúng cách, mẹ nên giữ phần đầu và lưng của trẻ thẳng hàng, mặt hướng vào bầu sữa, nên đặt phần đầu của trẻ cao hơn phần thân, đồng thời khum tay vỗ nhẹ lưng của bé. Sau khi hết bầu sữa một bên mới chuyển tiếp sang bên còn lại để giúp bé có thể bú được sữa cuối – nguồn sữa giàu dinh dưỡng nhất.
Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất của trẻ trong 6 tháng đầu đời, vì vậy mẹ cũng nên chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tạo ra nguồn sữa chất lượng nhất cho trẻ các dưỡng chất cần thiết để bắt kịp đà phát triển.
Chăm sóc rốn và tắm cho trẻ
Rốn là bộ phận nhạy cảm đối với trẻ sơ sinh, vì vậy cha mẹ cần lưu ý chăm sóc tốt để đảm bảo tránh nhiễm trùng và dây rốn rụng một cách tự nhiên. Khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần rửa sạch tay, lau rửa vùng rốn bằng nước muối sinh lý, thay băng gạc thường xuyên và luôn giữ cho vùng rốn của trẻ khô và sạch nhất có thể. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý quan sát các dấu hiệu bất thường như viêm đỏ, mưng mủ, chảy dịch vàng, chảy máu,… để sớm phát hiện và có hướng xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách tắm nước ấm. Khi tắm, chú ý vệ sinh các vùng da nhiều nếp gấp như cổ, nách, chân, gáy, bẹn,… Sau khi tắm thì nên lau khô cơ thể bé bằng khăn mềm và giữ ấm cho bé.
Chăm sóc giấc ngủ của trẻ
Giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh giai đoạn 1 tháng đầu đời là rất quan trọng. Thông thường, trẻ sơ sinh ngủ gần hết cả ngày cả đêm, bé chỉ thức dậy khi chúng cảm thấy đói. Trong vài tuần đầu tiên, rất khó có thể thay đổi thói quen này của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể tập cho bé phân biệt ngày và đêm. Vào buổi sáng, cha mẹ nên đánh thức bé, nói chuyện và chơi với bé càng nhiều càng tốt. Vào ban đêm, cha mẹ cần chú ý giữ yên lặng và cho trẻ đi ngủ vào một khung giờ cố định.
☛ Có thể bạn quan tâm: Cần làm gì khi trẻ biếng ăn ngủ không sâu giấc?
Chăm sóc da, lưỡi, mắt, mũi, tai
Việc chăm sóc tốt vùng da, lưỡi, mắt, mũi, tai trẻ sẽ giúp phát triển hệ giác quan của trẻ toàn diện. Ngoài việc vệ sinh các bộ phận này sạch sẽ, cha mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Tránh để da trẻ tiếp xúc với các mỹ phẩm, xà phòng khô.
- Chú ý thay tã cho trẻ thường xuyên, không để tã quá ướt.
- Ưu tiên lựa chọn các loại sản phẩm dịu nhẹ, phù hợp với da trẻ sơ sinh.
- Giữ ẩm cho da bé.
- Tránh để vùng mắt của trẻ tiếp xúc với hóa chất độc hại, có thể vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý.
- Dùng gạc sạch để rơ lưỡi cho trẻ.
- Vệ sinh các bộ phận như mắt, tai, mũi,… thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
Theo dõi sức khỏe và các chỉ số phát triển
Việc nắm rõ các chỉ số phát triển của trẻ sơ sinh sẽ giúp các bậc cha mẹ sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời. Các chỉ số phát triển của trẻ bao gồm chiều cao, cân nặng, chu vi vòng đầu, vòng ngực,… Cha mẹ nên thiết lập biểu đồ theo dõi và thực hiện đo các chỉ số vào một thời điểm nhất định theo tuần/tháng. Sau đó, so sánh với các chỉ số chuẩn để sớm nhận biết một số tình trạng như trẻ biếng ăn chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao, còi xương, thiếu hụt dinh dưỡng,…
Từ những thông tin trên đây, mong rằng các bậc phụ huynh sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh giai đoạn 1 tháng đầu đời. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ sau này. Hi vọng các bậc cha mẹ sẽ học được cách chăm sóc trẻ sơ sinh đúng chuẩn để bé phát triển thật tốt!