Trời mùa đông hanh khô và lạnh rất dễ làm làn da mỏng manh của bé bị tổn thương. Mất cân bằng độ ẩm có thể làm da trẻ khô, nứt nẻ thậm chí kích ứng da rất khó chịu. Vậy để giữ cho da bé luôn mịn màng, cách mẹ có thể tham khảo các bí quyết chăm sóc da khô và nứt nẻ ở trẻ trong mùa đông này nhé!
Mục lục
Chọn trang phục mềm mại, thoáng khí
Vào mùa đông, người lớn thường có tâm lý mặc cho trẻ càng ấm càng tốt và rất ít cho ra khỏi nhà. Tuy nhiên, việc giữ bé trong nhà quá lâu và mặc nhiều áo ấm có thể khiến bé đổ mồ hôi, da đỏ và kích ứng da.
Để giảm thiểu tình trạng da khô nứt nẻ của trẻ, các mẹ nên lựa chọn những loại quần áo, tất tay, tất chân, mũ và khăn được làm từ chất liệu cotton mềm mại, có khả năng giữ ấm và thấm hút mồ hôi tốt. Khi bé ở trong môi trường đủ ấm, hãy cởi bớt một số lớp quần áo để bé không bị đổ mồ hôi và cảm thấy khó thở, ngứa ngáy…
Rút ngắn thời gian tắm cho trẻ
Trong mùa đông, khi nhiệt độ giảm xuống đáng kể, các mẹ không cần thiết cho bé tắm hàng ngày mà chỉ cần tắm 2-3 lần/tuần là đủ. Đồng thời nên rút ngắn thời gian tắm để tránh làm mất lớp dầu tự nhiên trên da bé, gây mất nước và làm da bé trở nên khô ráp. Thay vì tắm cho trẻ khoảng 20 phút như bình thường thì mẹ chỉ nên tắm khoảng 10 phút khi trời lạnh nhé.
Khi tắm cho trẻ, mẹ nên chọn một nơi tránh gió, đóng các cửa sổ. Sau khi tắm, sử dụng khăn bông sạch thấm hút nước tốt để lau cho trẻ. Nhiệt độ nước tắm của trẻ nên ở mức ấm, khoảng từ 32-34 độ C là phù hợp.
Tránh tắm cho trẻ trong nước quá nóng, vì nó có thể làm da bé khô, nứt nẻ và đỏ rát. Ngoài ra, hãy sử dụng sữa tắm có thành phần từ thiên nhiên nhẹ dịu, tránh các sản phẩm hóa chất mạnh sẽ làm da bé bị khô hơn.
Hạn chế lạm dụng máy sưởi, điều hòa
Một số gia đình thường sử dụng các thiết bị như quạt sưởi hoặc đèn sưởi để giữ cho bé luôn ấm áp. Thế nhưng, việc cho bé tiếp xúc thường xuyên với những thiết bị này sẽ làm da trở nên khô và nứt nẻ.
Mẹ cần phải điều chỉnh nhiệt độ để đảm bảo không quá hanh khô. Có thể sử dụng máy tạo ẩm hoặc một chậu nước trong phòng để giữ ẩm.
Sử dụng kem dưỡng da
Thời tiết vào mùa đông thường bị hanh khô do độ ẩm thấp, điều này tác động trực tiếp đến làn da của bé. Cha mẹ nên chọn một loại kem dưỡng ẩm thích hợp với da của trẻ.
Loại kem dưỡng ẩm an toàn và tốt cho làn da của bé phải được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không chứa hóa chất và không có chất phụ gia. Kem dưỡng ẩm cho bé nên có thành phần tinh khiết và tuyệt đối không chứa cồn. Bởi cồn sẽ gây kích ứng mẩn đỏ lên làn da của bé.
Bố mẹ cũng nên bôi một ít dầu hoặc son dưỡng để tạo lớp màng bảo vệ đôi môi của trẻ trước không khí lạnh. Ngoài ra cũng cần chú ý bôi vùng dưới mũi, nếu bé bị chảy nước mũi và phải lau liên tục có thể làm da dưới mũi khô rát, tổn thương. Do đó, việc chăm sóc da ở vùng này là rất quan trọng.
Cung cấp đủ chất dinh dưỡng
Cha mẹ nên đảm bảo cho trẻ uống đủ lượng nước tùy vào nhu cầu cơ thể, điều này sẽ giúp cho làn da của bé có đủ độ ẩm từ bên trong. Trường hợp trẻ vẫn còn bú sữa mẹ thì cần tăng cữ bú cho trẻ để bé có đủ nước và dưỡng chất cần thiết, tăng cường hệ miễn dịch.
Còn đối với các bé lớn hơn, mẹ nên cho bé ăn những thực phẩm giàu vitamin A, C, B3 và B7. Điều này nhằm cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho sự phát triển của trẻ một cách tốt nhất.
Bí quyết chăm sóc da khô nứt nẻ cho trẻ tại nhà
Ngoài những cách trên, cha mẹ có thể tham khảo thêm những cách chăm sóc da cho trẻ dễ dàng thực hiện tại nhà:
Cải thiện da khô nứt nẻ cho trẻ bằng dầu dừa
Thoa dầu dừa lên da của trẻ sẽ giúp cân bằng độ ẩm tự nhiên của da, từ đó giữ cho làn da mềm mại và mịn màng hơn.
Cách làm dầu dừa rất đơn giản:
- Mẹ sử dụng cùi dừa già, rửa sạch, thái miếng nhỏ và xay nhuyễn cùi dừa.
- Sau đó cho nước sạch vào phần cùi dừa đã xay nhuyễn rồi bóp kỹ để lọc lấy nước từ dừa (nước có màu trắng đục).
- Tiếp theo, đun phần nước này cho đến khi nước cạn, mẹ sẽ thấy một lớp dầu màu trắng hoặc vàng nhạt nổi lên trên, đó chính là dầu dừa.
- Chắt lấy dầu này và cho vào lọ, sau đó bảo quản trong tủ lạnh.
Sử dụng dầu oliu dưỡng ẩm da cho trẻ
Tính chất dịu nhẹ và không gây kích ứng của dầu oliu thích hợp cho làn da nhạy cảm của trẻ, giúp giữ ẩm và làm dịu da khi bị khô ráp hoặc kích ứng do điều kiện thời tiết. Bên cạnh đó, việc sử dụng dầu oliu cũng có thể giúp tăng cường độ đàn hồi của da, giảm thiểu nguy cơ mẩn ngứa và hỗ trợ quá trình phục hồi da khi bé gặp vấn đề như phát ban, chàm hoặc da khô.
Các bước thực hiện cũng rất đơn giản, trước khi thoa dầu oliu lên da bé, mẹ chỉ cần ngâm lọ dầu oliu trong nước nóng từ 3 đến 5 phút. Sau đó, lấy một lượng vừa phải ra lòng bàn tay rồi thoa đều lên má bé. Mẹ có thể thoa thêm ở tay, chân và những chỗ bị nứt nẻ nặng.
Chăm sóc da cho trẻ bằng mật ong
Mật ong cũng có khả năng giữ ẩm tốt, từ đó giúp làm dịu và cải thiện tình trạng da khô. Sử dụng mật ong để bôi lên vùng da khô nứt nẻ của trẻ không chỉ giúp làm mềm da mà còn giúp da hấp thụ và giữ nước tốt hơn, ngăn chặn sự mất nước qua da.
Các mẹ nên bôi mật ong lên môi và má cho con khi chúng đã ngủ trong khoảng 20 phút. Sau đó, lau lại nhẹ nhàng bằng khăn ấm mềm (tránh tình huống khi bé thức rất dễ lấy tay lau sạch mật ong). Khi bé ngủ dậy, mẹ rửa sạch mặt cho bé bằng nước ấm.
Trị nẻ cho bé bằng sữa mẹ
Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe của bé, mà còn có thể được sử dụng như một sản phẩm dưỡng da tự nhiên vô cùng tốt. Các mẹ có thể thực hiện với các bước đơn giản:
- Mẹ thấm bông tẩy trang vào nước ấm và lau qua mặt cho trẻ.
- Vắt một chút sữa mẹ vào cốc hoặc bát sạch.
- Dùng bông thấm đều vào sữa mẹ.
- Mẹ nhẹ nhàng xoa lên hai bên má của bé, massage nhẹ nhàng trong vài phút.
- Sau đó mẹ lấy bông hoặc khăn mềm thấm nước ấm và lau lại sạch mặt cho trẻ.
- Hãy duy trì thực hiện thao tác này 2 – 3 lần mỗi ngày sẽ thấy da của bé trở nên mịn màng hơn.
Lời kết
Trên đây là những cách chăm sóc da khô nứt nẻ cho trẻ vào mùa đông. Hy vọng qua bài viết, cha mẹ đã biết thêm được nhiều cách cải thiện tình trạng này để giúp trẻ thấy dễ chịu, thoải mái hơn.