Chăm sóc trẻ từ 1 đến 2 tháng tuổi không phải là việc dễ dàng đối với nhiều bậc cha mẹ. Mỗi giai đoạn, trẻ có những cột mốc phát triển khác nhau. Do vậy, cha mẹ cần điều chỉnh sao cho phù hợp tạo điều kiện cho bé phát triển toàn diện nhất. Bài viết dưới đây, Norikid Plus sẽ chia sẻ đến các bậc phụ huynh cách chăm sóc trẻ từ 1 đến 2 tháng tuổi chuẩn khoa học!
Mục lục
Sự phát triển của trẻ giai đoạn từ 1 đến 2 tháng tuổi
Khác với tháng đầu tiên sau khi chào đời, sang đến tháng thứ 2, trẻ đã có những thay đổi rõ rệt về cả thể chất, giác quan, giấc ngủ và hình thành tính cách. Cụ thể:
- Về giấc ngủ: Từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 8, giấc ngủ của bé vào ban đêm thường dài hơn, ban ngày tỉnh táo hơn. Đồng thời, sang đến tháng thứ 2, thời gian ngủ mỗi ngày của bé sẽ rút ngắn lại khoảng 15-16 giờ mỗi ngày.
- Về thể chất: Nhìn chung, cân nặng của trẻ vẫn tăng đều đặn trong 6 tháng đầu tiên. Trung bình 1 tuần trẻ tăng từ 150-200g, chiều cao tăng khoảng 2,5 – 3,8cm mỗi tháng.
- Về phản xạ: Khi sang tháng thứ 2, trẻ đã có những vận động linh hoạt hơn, chúng đã biết cách phối hợp vận động tay chân và có phản xạ nắm lấy mọi thứ xung quanh.
- Về giác quan: Có sự phát triển vượt trội về các giác quan ở trẻ sơ sinh giai đoạn từ 1-2 tháng tuổi. Trẻ đã nhạy cảm hơn với ánh sáng, âm thanh và các chuyển động xung quanh. Đồng thời, trẻ đã có khả năng nhận biết mùi hương của mẹ, khiến chúng cảm thấy an toàn và quen thuộc, ít quấy khóc hơn.
- Về giao tiếp: Hầu hết trẻ sơ sinh giai đoạn 1-2 tháng tuổi chủ yếu giao tiếp với mọi người xung quanh bằng cách khóc. Chúng sẽ khóc khi cảm thấy đói, hay cảm thấy khó chịu,…
Những vấn đề thường gặp ở trẻ từ 1 đến 2 tháng tuổi
Trong giai đoạn từ 1-2 tháng tuổi, các cơ quan trong cơ thể trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện, hệ miễn dịch còn non yếu. Đó là lý do trẻ sơ sinh 1 đến 2 tháng tuổi hay gặp các vấn đề về sức khỏe. Điển hình là:
Các vấn đề về da
Da của trẻ sơ sinh rất mỏng và nhạy cảm, dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa hoặc phẩm nhuộm, vải quần áo, khăn tã,… Một số bệnh về da trẻ có thể gặp phải trong giai đoạn từ 1 đến 2 tháng tuổi có thể kể đến như chàm sữa, hăm tã, rôm sảy, viêm da tiết bã,… Mỗi bệnh lý này cần có cách chăm sóc khác nhau, cha mẹ cần trang bị cho mình kiến thức đầy đủ hoặc đưa trẻ đi khám bác sĩ để có cách chăm sóc, xử lý phù hợp nhất.
Trẻ bị ốm, sốt
Trẻ sơ sinh có thể bị ốm, sốt do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thường gặp nhất là nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Một số trường hợp trẻ bị sốt sau khi tiêm chủng, hoặc do trẻ bú kém không hấp thu đủ dinh dưỡng khiến trẻ bị thiếu chất, hệ miễn dịch suy giảm. Khi sốt, nhiệt độ cơ thể của trẻ thường tăng cao hơn 37,5 độ C, trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ngủ kém, bú ít, quấy khóc nhiều,… Cha mẹ cần hết sức lưu ý và đưa trẻ đi khám ngay nếu tình trạng sốt cao kéo dài hoặc sốt cao kèm co giật.
Các vấn đề về hô hấp
Hệ miễn dịch còn non yếu, cộng thêm vấn đề vệ sinh chưa tốt có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm virus gây bệnh về đường hô hấp. Trẻ thường có biểu hiện ho, hắt hơi, thở khò khè, chảy nước mũi,… Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám, tránh tự ý dùng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Trẻ bị nôn trớ
Trẻ từ 1 đến 2 tháng tuổi thường gặp hiện tượng nôn trớ do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, dạ dày còn ở trạng thái nằm ngang. Bên cạnh đó cơ thắt tâm vị hoạt động kém dễ gây trào ngược, nôn trớ sau khi ăn no. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi thay đổi tư thế bế đột ngột. Thông thường tình trạng này không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu trẻ nôn trớ nhiều giờ, kèm theo sốt và bỏ ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Trẻ bỏ bú, biếng bú
Một vấn đề khiến nhiều cha mẹ đau đầu chính là tình trạng trẻ bỏ bú, biếng bú. Thông thường, trong giai đoạn từ 1-2 tháng tuổi, bé thường bú khoảng 90-120ml/lần và mỗi ngày khoảng từ 4-5 cữ. Nếu trẻ bú ít hơn bình thường hoặc thậm chí là từ chối bú mẹ, rất có thể trẻ đang gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm lưỡi, viêm nướu,… Một số trường hợp trẻ bú ít có thể xuất phát từ chất lượng sữa mẹ thay đổi hay mẹ cho trẻ bú với tư thế không phù hợp. ☛ Tham khảo: Các giúp trẻ 2 tháng tuổi hết biếng ăn
Trẻ bị táo bón, tiêu chảy
Trẻ sơ sinh giai đoạn từ 1-2 tháng tuổi thường xuyên gặp các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón,… Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh, trẻ có thể khó hấp thu một số chất dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc do nhiễm khuẩn gây rối loạn hoạt động tiêu hóa. Cha mẹ có thể nhận biết hiện tượng này qua tính chất phân của trẻ. Khi phát hiện phân của trẻ bất thường như phân rắn, phân lỏng như nước, lẫn chất nhầy,… thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn chăm sóc phù hợp.
Trẻ chậm tăng cân
Chậm tăng cân là vấn đề thường gặp ở những trẻ bú ít, lười bú, trẻ sinh non, hoặc những trẻ thường xuyên ốm vặt, rối loạn tiêu hóa,… do trẻ không hấp thụ đầy đủ được các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Chậm tăng cân kéo dài có thể gây hệ lụy nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, còi xương, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ,…
☛ Đọc thêm: Trẻ 2 tháng tuổi biếng ăn chậm tăng cân là do đâu?
Hướng dẫn chăm sóc trẻ 1-2 tháng tuổi chuẩn khoa học
Giai đoạn từ 1 đến 2 tháng tuổi là giai đoạn đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, do vậy cha mẹ cần chú ý chăm sóc đặc biệt. Dưới đây là một số kinh nghiệm chăm sóc trẻ từ 1-2 tháng tuổi cha mẹ có thể tham khảo áp dụng.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Ăn và ngủ là 2 việc quan trọng nhất đối với trẻ trong những năm tháng đầu đời. Mẹ nên xây dựng thời gian biểu cho những cữ bú hợp lý, xen kẽ với những giấc ngủ của con. Mỗi cữ bú nên cách nhau khoảng 3-4 giờ để cho bé có cảm giác được đói và sẽ bú được nhiều sữa hơn. Đồng thời, mẹ cũng nên tạo cho bé thói quen ăn ngủ đúng giờ giấc để cơ thể phát triển tốt nhất.
Đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất đối với trẻ trong 6 tháng đầu đời. Do vậy, mẹ cần chú ý chế độ ăn uống của bản thân, bổ sung đa dạng chất dinh dưỡng để cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng tối ưu nhất.
☛ Đọc thêm: Cách chăm sóc trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng hiệu quả
Lựa chọn tư thế bú phù hợp
Có lẽ sang đến tháng thứ 2, mẹ đã quen dần với việc cho trẻ bú sữa. Mặc dù sang giai đoạn này, cơ thể bé đã cứng cáp hơn một chút nhưng mẹ vẫn cần chú ý đặt phần đầu và thân trẻ thẳng hàng, đỡ đầu và mông trẻ, đồng thời giữ bầu vú đúng tư thế để cho trẻ bú được nhiều sữa nhất có thể. Ngoài ra, mẹ cũng nên cho bé bú hết một bên rồi mới đến bên còn lại để kích thích tuyến vú sản xuất sữa, đồng thời giúp bé có thể ăn được hết nguồn dinh dưỡng dồi dào từ sữa cuối.
Cho trẻ ngủ đủ giấc
Trong những tháng đầu đời, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ và thể chất, tinh thần của trẻ. Mỗi giấc ngủ của trẻ thường kéo dài từ 1-3 tiếng, có thể kéo dài hơn vào ban đêm, trung bình trẻ 1-2 tháng tuổi ngủ 15-16 tiếng mỗi ngày. Mẹ nên cho bé ngủ đủ giấc để giúp bé phát triển một cách tối ưu nhất.
Cách vệ sinh cho trẻ từ 1-2 tháng tuổi
Vệ sinh cho trẻ từ 1-2 tháng tuổi là việc hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn, mắc bệnh ở trẻ. Sang tháng thứ 2, dây rốn của trẻ đã rụng, cơ thể bé cũng cứng cáp hơn nhiều nên việc tắm cho trẻ đã không còn quá khó khăn. Mẹ vẫn nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, chú ý vệ sinh các vị trí nhiều nếp gấp như cổ, nách, gáy, chân, tay, bộ phận sinh dục,…
Đối với vùng mắt, mũi, tai thì mẹ nên vệ sinh bằng nước muối sinh lý, sử dụng khăn mặt riêng để lau mặt cho trẻ. Sau khi tắm, mẹ nên dùng một chiếc khăn khô, mềm để lau người cho bé và giữ ấm cho trẻ tránh để cơ thể bé nhiễm lạnh.
Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh từ 1-2 tháng
Ngoài việc tắm rửa cho bé, cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc da cho trẻ vì da của trẻ rất nhạy cảm. Không chỉ giữ sạch da, cha mẹ cũng nên dưỡng ẩm cho bé những ngày khô hanh. Đồng thời, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm dịu nhẹ, quần áo nên chọn chất vải cotton để tránh kích ứng da.
Trò chuyện nhiều hơn với trẻ
Bước sang tháng thứ 2, thời gian ngủ của trẻ dần thu ngắn lại, cha mẹ sẽ có nhiều thời gian trò chuyện và chơi đùa với trẻ. Lúc này, bé đã có sự phát triển nhận thức rõ ràng hơn và cảm thấy thích thú khi khám phá mọi thứ xung quanh. Cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện với bé nhiều hơn, chơi trò chơi với bé để giúp con phát triển nhận thức, tăng cường trí tuệ, giúp ích cho sự phát triển sau này.
Tiêm phòng đầy đủ
Để giúp bé có hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống chọi với bệnh tật, cha mẹ nên tiêm phòng đầy đủ cho bé. Một số mũi tiêm quan trọng mẹ cần lưu ý đó là vaccine phòng viêm gan B, vaccine phòng bại liệt, vaccine 5 trong 1,…
Lưu ý khi chăm sóc trẻ từ 1-2 tháng tuổi
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh giai đoạn từ 1-2 tháng tuổi, cha mẹ cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:
- Thay vì cho trẻ uống nước, mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời bởi trong sữa mẹ có đến 80% là nước. Do vậy, bú mẹ không chỉ giúp làm giảm cơn khát của trẻ mà còn cung cấp dinh dưỡng và hệ miễn dịch giúp con yêu phát triển toàn diện.
- Tránh quấn tã quá kín vì có thể gây ra các bệnh về da, nó cũng gây cảm giác bí bách khiến bé cảm thấy khó chịu, quấy khóc.
- Tránh rung lắc khi ru bé ngủ với dao động mạnh vì có thể gây tổn thương đến bộ não của bé.
- Hạn chế dùng chất tẩy rửa có chứa các hóa chất độc hại có thể gây kích ứng da bé.
- Không nên tắm quá kĩ cho trẻ, mỗi lần tắm chỉ nên kéo dài khoảng 15 phút, chú ý nhiệt độ nước không quá nóng cũng không quá lạnh.
- Tập cho bé phân biệt ngày và đêm để tạo thói quen đi ngủ đúng giờ giấc, hạn chế thức đêm.
- Giữ vệ sinh cơ thể và môi trường sống của trẻ, hạn chế tối đa nguy cơ gây nhiễm khuẩn, nhiễm nấm,…
Chăm sóc trẻ sơ sinh giai đoạn từ 1 đến 2 tháng tuổi là việc hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất và tinh thần. Do vậy, cha mẹ cần hết sức quan tâm và lưu ý chăm sóc trẻ tạo điều kiện cho bé phát triển tốt nhất!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-development-2-month-old