Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến ở trẻ em. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ đe dọa đến tính mạng nên đòi hỏi phụ huynh cần phải chăm sóc thật chặt chẽ. Vậy nguyên nhân gây hen suyễn do đâu và biện pháp kiểm soát là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Bệnh hen suyễn là gì?
Hen suyễn hay còn được gọi là hen phế quản – một bệnh lý đặc trưng của đường hô hấp, là tình trạng viêm mạn tính đường thở. Bệnh này gây ra tình trạng co thắt, phù nề và tăng tiết đờm làm thu hẹp đường dẫn khí. Tỷ lệ trẻ bị mắc hen suyễn tăng lên mỗi năm, cứ 20 năm tỷ lệ bệnh lại tăng 2-3 lần (theo thống kê của Bộ Y tế). Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ nhỏ phải nhập viện và nghỉ học.
Hen suyễn không thể chữa khỏi hoàn toàn và các triệu chứng sẽ kéo dài đến khi trẻ trưởng thành. Thế nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, cha mẹ có thể giúp trẻ kiểm soát tốt triệu chứng và ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng hơn. Vì thế, phụ huynh cần phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của con em mình để kịp thời phát hiện bệnh, giúp bảo vệ sức khỏe trẻ tốt nhất.
Triệu chứng của bệnh hen suyễn
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến của bệnh hen suyễn:
- Ho dai dẳng, ho nhiều về đêm.
- Trẻ thở khò khè, có tiếng rít.
- Trẻ tắc nghẽn ngực, khó thở, tức ngực.
- Trẻ lớn bị đau ngực.
Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như:
- Trẻ ho, thở khò khè sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm.
- Viêm phế quản tái phát nhiều lần.
- Trẻ thở nặng, khó thở, hạn chế các hoạt động vui chơi, thể dục.
Tùy vào từng thể trạng của trẻ mà sẽ có những triệu chứng khác nhau, chúng có thể diễn biến tốt lên hoặc xấu đi theo thời gian.
Nguyên nhân gây hen suyễn ở trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân gây hen suyễn ở trẻ, cụ thể như:
- Do gia đình, di truyền: Trong gia đình nếu có bố, mẹ hoặc cả hai đều mắc hen, tỷ lệ con cái mắc hen suyễn cũng tăng cao.
- Do cơ địa: Một số trẻ bị hen do yếu tố cơ địa. Theo thống kê, khoảng từ 30% đến 60% trẻ em từng mắc chàm sữa có khả năng bị hen suyễn. Những trẻ đã mắc viêm phế quản co thắt, viêm mũi dị ứng, thể trạng tăng tiết dịch cũng dễ mắc bệnh hen.
- Do dị nguyên: Dị nguyên như phấn hoa, khói thuốc, môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, lông chó, mèo, thời tiết thay đổi hoặc không khí lạnh là những nguyên nhân gây kích ứng cơn hen.
- Yếu tố vi khuẩn, virus, nấm mốc: Không khí chứa đựng nhiều yếu tố có thể gây hen hoặc tái phát bệnh hen suyễn như vi khuẩn, virus và nấm mốc.
Bệnh hen suyễn có gây nguy hiểm cho trẻ không?
Tỷ lệ mắc hen suyễn ở trẻ nhỏ cao gấp đôi người lớn. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm:
- Xẹp phổi: Biến chứng này thường xuất hiện ở 1/3 trẻ nhỏ nhập viện do hen suyễn. Nếu tình trạng này được kiểm soát tốt thì biến chứng xẹp phổi sẽ được cải thiện.
- Suy hô hấp: Biểu hiện của suy hô hấp bao gồm việc trẻ gặp khó khăn trong việc thở, đôi khi có những khoảnh khắc ngừng thở, da tái nhợt và cần sự hỗ trợ của máy thở.
- Tràn khí màng phổi: Hen suyễn khiến cho phế nang bị giãn rộng và làm tăng áp lực trong phế nang gây tăng nguy cơ tràn khí màng phổi.
- Giãn phế nang đa tiểu thùy: Khi trẻ mắc hen suyễn, sự đàn hồi của phế nang giảm dần theo thời gian, gây ra giảm thể tích không khí hít vào và tăng cường sự tích tụ của khí cặn trong phế nang. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thở và tăng nguy cơ gặp các vấn đề hô hấp.
Biện pháp kiểm soát hen suyễn ở trẻ
Cha mẹ cần cho trẻ thực hiện nghiêm tức theo phác đồ của bác sĩ để kiểm soát cơn hen.
Xử lý tại nhà
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của cơn hẹn, cha mẹ cần đưa trẻ tránh xa những yếu tố gây khởi phát bệnh và để trẻ ngồi ở nơi thoáng khí. Cho trẻ dùng thuốc cắt cơn nhanh hay còn gọi là thuốc cấp cứu được chỉ định sử dụng cho trẻ.
Thuốc giãn phế quản: Salbuterol, Pirbuterol, Levalbuterol là những loại thuốc có tác dụng nhanh chỉ sau vài phút với thời gian tác động kéo dài vài giờ. Thuốc giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh.
Cha mẹ xịt thuốc phế quản cho trẻ 2 nhát/ lần và theo dõi xem các triệu chứng của bệnh có thuyên giảm hay không? Trẻ có bớt ho, giảm thở khò khè, giảm đau tức ngực hay không? Sau khoảng 20 phút nếu các triệu chứng không giảm thì xịt họng tiếp lần 2 và theo dõi thêm 20 phút nữa. Lần này nếu triệu chứng vẫn không thuyên giảm thì xịt lần 3 và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.
Đối với trẻ dưới 6 tuổi hoặc trẻ không thể sử dụng thuốc xịt đúng cách, cha mẹ nên cho trẻ sử dụng máy phun khí dung hoặc buồng đệm để hỗ trợ.
Điều trị dự phòng
Điều trị dự phòng hen suyễn ở trẻ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh, duy trì hô hấp bình thường để trẻ có thể sinh hoạt và vui chơi như những đứa trẻ khác.
Điều tri dự phòng hen suyễn có thể dùng thuốc uống, thuốc xịt và xông khí dung. Tùy vào mức độ của bệnh và kết quả kiểm soát hen trước đó, bác sĩ sẽ đưa ra những loại thuốc phù hợp.
Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị dự phòng, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tuần thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc ngưng sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều lượng cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Vì thế cha mẹ không nên tự ý cho trẻ ngưng thuốc khi bệnh đã tiến triển khá hơn và cần đưa trẻ đến bệnh viện để tái khám định kỳ.
Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh
Để hạn chế tình trạng xuất hiện cơn hen suyễn ở trẻ, phụ huynh cần chú ý những điều dưới đây:
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, đặc biệt là trong không gian kín và khi có trẻ em xung quanh.
- Thường xuyên giặt giũ các vật dụng như chăn, ga, gối và nệm để ngăn chặn sự tăng nhanh của vi khuẩn và vi rút.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với lông thú cưng.
- Sử dụng bộ lọc không khí để loại bỏ các hạt bụi và chất gây dị ứng từ không khí.
- Tránh sử dụng sản phẩm lưu hương lâu, thuốc xịt mũi, côn trừng bởi chúng có thể kích thích đường hô hấp.
- Hạn chế trẻ hoạt động quá sức, nên cho trẻ chơi những môn thể thao nhẹ nhàng.
- Đảm bảo trẻ được tiêm phòng cúm định kỳ hàng năm để giảm nguy cơ mắc bệnh và tăng cường hệ miễn dịch.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Cha mẹ nên cho trẻ đến bệnh viện để tái khám định kỳ 1-3 tháng/ lần kể cả khi bệnh hen suyễn đã được kiểm soát tốt. Trường hợp trẻ vẫn có cơn hen, cha mẹ nên cho trẻ tái khám trong vòng 2-4 tuần sau. Nên cho trẻ tái khám đúng với lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi bệnh chặt chẽ hơn, từ đó bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ chữa trị phù hợp để kiểm soát triệu chứng của bệnh một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu thấy có những biểu hiện dưới đây:
- Trẻ khó nói, chỉ nói được từng từ.
- Trẻ phải ngồi thở, cánh mũi phập phồng, thở co kéo vùng xương sườn và cổ.
- Trẻ đã dùng thuốc cắt cơn những chỉ có tác dụng ngắn hoặc không có tác dụng.
- Môi và đầu ngón tay bị tím tái.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về bệnh hen suyễn ở trẻ và biện pháp kiểm soát hiệu quả. Hy vọng qua bài viết, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết tình trạng bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp nhất cho trẻ.