Trong những năm gần đây, tổng số ca mắc viêm đường hô hấp ở trẻ em đã không ngừng tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh thời tiết chuyển mùa. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh biết thêm thông tin liên quan đến nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới và cách phòng ngừa cho trẻ nhỏ
Mục lục
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là gì?
Theo những thống kê về tình trạng sức khỏe của trẻ em nước ta gần nhất, trung bình mỗi đứa trẻ ở Việt Nam có thể phải đối mặt với 5 đến 7 lần mắc các bệnh hô hấp trong một năm. Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện cấp cứu do viêm phổi tăng đột ngột, chiếm từ 21% – 75% trong tổng số các trường hợp.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm một loạt các bệnh lý nhiễm trùng ảnh hưởng đến các phần của đường hô hấp dưới như khí quản, phế quản và phổi. Trong số đó, viêm phổi và viêm phế quản ở trẻ là hai bệnh phổ biến nhất.
Phổi và phế quản là các cơ quan đảm nhận nhiệm vụ trao đổi khí O2 và CO2 quan trọng trong cơ thể. Khi các cơ quan này bị viêm nhiễm sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân phối khí O2 đến tế bào và loại bỏ khí CO2 khỏi cơ thể. Khi phổi và phế quản bị viêm sẽ khiến trẻ bị suy nhược, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, phụ huynh nên nhận biết kịp thời nhiễm trùng đường hô hấp dưới để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ
Trẻ em thường dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp thì trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới:
- Ho khan, ho có đờm.
- Sổ mũi.
- Không hứng thú với môi trường xung quanh.
- Hay khó chịu, quấy khóc.
- Trẻ biếng ăn ngủ không sâu giấc, trẻ ngủ nhiều nhưng hay cọ quậy.
- Sốt.
- Người mệt mỏi.
Nếu tình trạng nhiễm trùng nặng, trẻ có các dấu hiệu như thở nhanh, khó thở, da dẻ chuyển từ hồng hào sang màu xanh tím và sốt cao liên tục. Trong trường hợp này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các phòng khám chuyên khoa nhi là cần thiết.
Yếu tố tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới
Nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ chủ yếu do nhiễm khuẩn. Trong giai đoạn chuyển mùa, khi cơ thể phải thích nghi với thay đổi thời tiết, sức đề kháng của trẻ giảm sút tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus xâm nhập. Những nguyên nhân làm tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm:
Do vi khuẩn
Đây là tác nhân phổ biến gây ra nhiễm trùng đường hô hấp. Vi khuẩn là vi sinh vật rất nhỏ nên không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chúng luôn tồn tại trong không khí nên khi trẻ thở sẽ vô tình đưa vào đường hô hấp.
Khi trẻ khỏe mạnh, tế bào bạch cầu và đại thực bảo sẽ tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh ở niêm mạc đường hô hấp. Thế nhưng khi hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn sẽ phát triển và sinh sôi. Cơ thể sẽ đáp ứng lại bằng phản ứng viêm trên đường hô hấp. Khi đó trẻ nhỏ sẽ xuất hiện những triệu chứng như: ho, đau họng, viêm họng, tức ngực,…
Một trong số vi khuẩn thường gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới là trực khuẩn mủ xanh. Đây là loại vi khuẩn khó tiêu diệt bằng các loại thuốc kháng sinh vì khả năng kháng thuốc cao. Ngoài ra, liên cầu khuẩn và phế cầu khuẩn cũng gây nhiễm trùng đường hô hấp từ viêm họng, viêm xoang đến viêm phế quản, viêm phổi.
Do virus
Khác với vi khuẩn, virus là loại kí sinh không thể tự sản sinh mà phải nhờ vào quá trình nhân đôi của tế bào trong cơ thể. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, các tế bào bạch cầu sẽ nhận diện bằng cơ chế kháng nguyên – kháng thể và tiêu diệt chúng.
Nhóm virus gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới chỉ yếu là nhóm RSV. Ngoài ra còn một số loại virus nữa như: Virus cúm A, Rhinovirus, Coronavirus.
Các nguyên nhân khác
- Bụi và các chất hóa học: Đây không phải là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp nhưng chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập vào hệ thống hô hấp.
- Khói thuốc lá: Chúng là một nguy cơ lớn gây ra các vấn đề nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Chất độc hại trong khói thuốc làm giảm chức năng hô hấp, giảm độ đàn hồi, tăng sinh xơ và thay đổi cấu trúc tế bào niêm mạc đường hô hấp.
- Sự suy giảm của hệ miễn dịch: Cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp. Những người mắc HIV/AIDS, phụ thuộc vào corticoid, suy dinh dưỡng, suy chức năng gan hay bệnh bạch cầu thường có hệ miễn dịch suy yếu nên không thể chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật một cách hiệu quả.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới có lây không?
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là một bệnh lý có khả năng lây lan cao. Khi trẻ mắc phải bệnh này và tiếp xúc với môi trường bên ngoài, việc lây nhiễm có thể diễn ra nhanh chóng.
Khi trẻ nói chuyện hoặc bị ho, mầm bệnh có trong nước bọt có thể bắn ra và bám vào người khỏe, tăng nguy cơ lây nhiễm. Do đó, để ngăn chặn, điều quan trọng nhất là khi trẻ bị bệnh, cha mẹ nên giữ con nghỉ ngơi ở nhà cho đến khi hoàn toàn khỏe trở lại. Việc này không chỉ đảm bảo trẻ không lây bệnh cho các bạn học trong lớp mà còn giúp bảo vệ sức khỏe của chính con. Đồng thời, giảm nguy cơ mắc phải các bệnh khác do sức đề kháng đang ở trạng thái suy yếu.
Nhiễm trùng đường hô hấp có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm phụ thuộc nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, vị trí nhiễm trùng, sức đề kháng và bệnh lý nền của trẻ. Đa phần nhiễm trùng đường hô hấp chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, tình trạng này có biến chứng cấp tính gây nguy hiểm đến tính mạng như:
- Suy hô hấp cấp tính.
- Tràn dịch màng phổi.
- Tràn khí màng phổi.
- Co thắt phết quản.
Tình trạng nhiễm trùng nếu kéo dài và không điều trị thì sẽ làm xơ hóa và giảm chức năng hô hấp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho những đợt bội nhiễm cấp tính khiến triệu chứng như ho, khạc đờm,… nặng nề hơn khiến trẻ nhỏ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
Cách phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ
Cha mẹ cần chú ý để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới như:
- Giữ ấm cơ thể: Trong thời tiết lạnh, hãy đảm bảo giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng mũi, cổ và họng. Sử dụng quàng và thêm khăn để bảo vệ bé khỏi gió lạnh.
- Tắm bằng nước ấm: Cho con tắm bằng nước ấm, không phụ thuộc vào mùa đông hay mùa hè. Hạn chế thời gian tắm và đảm bảo lau khô cơ thể bé trước khi mặc quần áo.
- Rửa tay sạch sẽ: Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngăn chặn vi khuẩn và virus gây bệnh. Khi ra đường, đeo khẩu trang cho trẻ để bảo vệ khỏi mầm bệnh.
- Nâng cao sức đề kháng: Nâng cao sức đề kháng tự nhiên của trẻ thông qua hoạt động thể chất và chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
- Tiêm vacxin đầy đủ: Đảm bảo trẻ được tiêm đủ các loại vaccin để giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp dưới.
- Vệ sinh răng miệng: Tạo thói quen cho trẻ vệ sinh răng miệng hàng ngày để ngăn ngừa vấn đề về sức khỏe răng và nướu.
- Dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa: Thường xuyên làm sạch và dọn dẹp nhà cửa để tạo môi trường sống sạch sẽ và thoáng đãng cho trẻ.
- Hạn chế tiếp xúc: Trong thời điểm dịch bệnh, hạn chế việc đưa trẻ đến những nơi công cộng và tránh tiếp xúc với những người mắc các bệnh đường hô hấp.
Mong rằng thông tin trong bài viết trước đây đã giúp quý phụ huynh có cái nhìn tổng quan hơn về nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới và cách phòng ngừa cho trẻ hiệu quả. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, dù nhẹ hay nặng, mẹ hãy đưa bé đến thăm khám bác sĩ ngay lập tức để đảm việc điều trị kịp thời.