Chắc hẳn có con đến tuổi bắt đầu ăn dặm là bố mẹ nào cũng lo lắng, loay hoay tìm hiểu các kiểu ăn dặm để áp dụng cho bé và hi vọng bé nhà mình hợp tác. Đúng là việc làm cha mẹ và nuôi dạy con chưa bao giờ là dễ dàng. Dưới đây, chúng tôi sẽ so sánh các kiểu ăn dặm phổ biến hiện nay để cha mẹ hiểu rõ hơn về các phương pháp này nhé.
Mục lục
Ăn dặm là gì? Có những phương pháp nào?
Ăn dặm có nghĩa là cho bé ăn thêm các thực phẩm khác bên cạnh sữa mẹ. Các thực phẩm khác có thể kể đến như cháo, rau củ, hoa quả, bột ăn dặm… Đây được xem là giai đoạn trẻ chuyển từ bú mẹ hoặc uống sữa hoàn toàn sang giai đoạn tập nhai, nuốt thức ăn.
Tại sao phải cho trẻ ăn dặm? Bởi vì đến một giai đoạn nào đó (bé được 4 tháng – 6 tháng tuổi) khi này trẻ bước vào giai đoạn phát triển hơn, chỉ bú (uống) sữa sẽ không đáp ứng đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé. Vậy nên cha mẹ cần phải bổ sung thêm dinh dưỡng từ các thực phẩm khác để con có thể phát triển toàn diện.
Thông thường, thời gian bắt đầu ăn dặm của trẻ là từ khi đủ 6 tháng tuổi và kết thúc khi bé hơn 1 tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ là mốc thời gian phổ biến, còn tùy thuộc vào thể trạng mỗi trẻ mà thời gian ăn dặm là khác nhau. Bố mẹ không nên quá nôn nóng mà cho con bắt đầu hay kết thúc ăn dặm sớm vì có thể làm trẻ mất hứng thú ăn uống, gây rối loạn tiêu hóa.
Khi cho bé ăn dặm, cha mẹ cần lưu ý rằng trong vòng 1 năm đầu, ăn dặm hoàn toàn không thể thay thế được sữa mẹ. Vậy nên các mẹ cần chú ý kết hợp vừa ăn dặm vừa cho con bú để đảm bảo đủ dinh dưỡng, đồng thời tăng cường đề kháng cho con.
Có 3 kiểu ăn dặm phổ biến hiện nay gồm:
- Ăn dặm truyền thống
- Ăn dặm kiểu Nhật
- Ăn dặm chỉ huy
Mỗi kiểu ăn dặm sẽ có những ưu nhược điểm nhất định, điều này sẽ được phân tích cụ thể hơn ở bảng so sánh phía dưới.
☛ Đọc thêm: Thời điểm cho bé ăn dặm tốt nhất?
Bảng so sánh 3 kiểu ăn dặm phổ biến hiện nay
Ăn dặm truyền thống |
Ăn dặm kiểu Nhật |
Ăn dặm chỉ huy (BLW) |
|
Khái niệm | Ăn dặm truyền thống là phương pháp cho con ăn dặm khá phổ biến với các mẹ Việt, được truyền lại từ các đời trước.
Với phương pháp này, các mẹ cho bé ăn cháo hoặc bột kết hợp cùng các loại thịt, cá, rau củ quả xay nhuyễn. Đến khi trẻ mọc răng, có thể cho ăn cháo xay nhuyễn cùng thức ăn băm nhỏ. Độ thô sẽ tăng dần theo thời gian, ban đầu là cháo, bột xay nhuyễn, tiếp đến là cháo nguyên hạt, rồi cơm nát, cơm người lớn. Thời điểm cho trẻ ăn có thể là trước hoặc sau bữa ăn của cả nhà nên thời gian ăn thường kéo dài. |
Ăn dặm kiểu Nhật phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ Nhật Bản, giúp trẻ tập ăn thô tốt và khuyến khích trẻ tìm được niềm vui trong ăn uống.
Với phương pháp này, các mẹ sẽ chế biến các đồ ăn riêng biệt với nhau rồi đặt lên cùng 1 mâm để bé chọn và ăn. Điều này sẽ kích thích vị giác, cho bé cảm nhận được mùi vị riêng biệt của từng loại đồ ăn. Độ thô của thức ăn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. |
Ăn dặm chỉ huy là một phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ Hàn Quốc.
Theo phương pháp ăn dặm chỉ huy, bé sẽ được tự quyết định sẽ ăn gì, lượng bao nhiêu, ăn bằng cách nào. Bố mẹ chỉ là người cung cấp thức ăn và dụng cụ ăn cho bé. Thức ăn cho trẻ lúc đầu cần chọn các loại mềm, được cắt với hình dạng và kích thước phù hợp. Thời điểm cho trẻ ăn là cùng với bữa ăn gia đình, để trẻ có thể nhìn mọi người ăn và học theo. |
Chuẩn bị | Sử dụng máy xay để nghiền thực phẩm thành mịn | Cối giã và rây mịn | Dùng thực phẩm tươi và cắt nhỏ |
Độ tuổi áp dụng | Từ 4-6 tháng tuổi | 6 tháng trở lên | 6 tháng trở lên |
Cách cho ăn | Dùng thìa và bát để cho bé ăn | Dùng thìa hoặc bát để cho bé ăn, bé được tự chọn loại thực phẩm mình muốn ăn | Cha mẹ phải giám sát bé khi ăn, bé có thể dùng thìa hoặc dùng tay bốc |
Thời gian cho ăn | Thời gian cho ăn kéo dài, nhiều bé kéo dài cả tiếng. | Bé được cho ăn trong khoảng 15-20 phút mỗi lần | Thời gian cho ăn có thể kéo dài 30-40 phút |
Tính tiện lợi | Tương đối tiện lợi, chỉ cần xay và nấu chung các loại thực phẩm lại với nhau. | Phải nấu riêng biệt từng món, khá mất thời gian | Khá tiện lợi, cha mẹ chỉ phải chuẩn bị thực phẩm tươi và cắt nhỏ. |
Ưu điểm | – Chế biến nhanh chóng, không mất nhiều thời gian.
– Đảm bảo bữa ăn cho bé đầy đủ dinh dưỡng, đủ cả 4 nhóm thực phẩm cần thiết gồm bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. – Bé có thể ăn với số lượng nhiều và tăng cân tốt trong giai đoạn đầu tập ăn. – Tuân thủ đúng phương pháp ăn dặm theo các giai đoạn sẽ tạo cho bé thói quen ăn uống tốt, hạn chế biếng ăn, tránh cho dạ dày phải làm việc quá sức. – Dễ dàng được chấp nhận và ủng hộ từ người lớn trong gia đình. |
– Giúp trẻ nhận biết được mùi vị của từng loại đồ ăn và chọn được món con thích.
– Tạo cho bé thói quen tập trung ăn uống và tâm lý thoải mái khi ăn, nâng cao khả năng tự lập. – Giúp bố mẹ dễ dàng phát hiện ra con bị dị ứng với loại đồ ăn nào. – Trẻ được tập ăn thô nên sớm học được kỹ năng nhai và nuốt. – Thức ăn có thể được chế biến và trữ đông nên mẹ có thể chủ động hơn trong ăn uống cho bé. – Món ăn của bé được đa dạng, đầy đủ nhóm chất và được thay đổi thường xuyên ở các giai đoạn ăn dặm khác nhau của trẻ. |
– Hạn chế tình trạng trẻ bị dị ứng thực phẩm.
– Rèn luyện cho con khả năng phối hợp giữa tay và mắt, nâng cao kỹ năng ăn nhai cùng sự khéo léo. – Trẻ được khám phá hương vị, kết cấu, mùi thơm và màu sắc của nhiều loại thức ăn giúp kích thích vị giác, phát triển sở thích ăn uống đa dạng, hạn chế biếng ăn ở trẻ. – Bé tự điều chỉnh được lượng thức ăn đưa vào cơ thể, khi no sẽ ngừng, tránh được nguy cơ béo phì. – Mẹ không phải chế biến cầu kỳ, riêng biệt vì thực đơn của con cũng gần giống với của gia đình. |
Nhược điểm | – Trẻ khó cảm nhận được mùi vị riêng của từng loại thức ăn dẫn đến chóng ngán, không muốn ăn.
– Đồ ăn được kết hợp chung lại với nhau nên bố mẹ khó phát hiện được bé bị dị ứng với loại thực phẩm nào. – Chú trọng nhiều vào chất và lượng thức ăn được đưa vào trong cơ thể bé. Có thể khiến bé không tiêu hóa, hấp thụ hết gây rối loạn tiêu hóa. – Trẻ biết ăn thô muộn, phản xạ nhai và nuốt kém. Đặc biệt là trong trường hợp mẹ không chú ý tới việc tăng dần độ thô của thức ăn theo tháng tuổi của bé. – Dễ tạo thói quen xấu không tập trung khi ăn cho trẻ vì bữa ăn thường được kéo dài, ăn rong hoặc vừa ăn vừa chơi, xem tivi. |
– Thức ăn trữ đông sẽ không thể tươi ngon như thức ăn được chế biến ngay.
– Bé ăn không nhiều và cũng không tăng cân mạnh ở giai đoạn đầu. – Khó được người lớn trong gia đình ủng hộ, vì mất khá nhiều thời gian dọn dẹp sau bữa ăn. – Mẹ cần phải thật kiên nhẫn để dạy con thói quen ngồi yên một chỗ và hướng dẫn bé cách cầm thìa khi ăn. |
– Trẻ dễ bị hóc nên đòi hỏi mẹ phải vững tin và bình tĩnh xử lý khi gặp trường hợp này.
– Con có thể bày bừa, bôi vãi thức ăn khắp nơi nên mẹ sẽ phải mất nhiều thời gian để dọn dẹp. – Không chú trọng đến chất và lượng thức ăn được đưa vào trong cơ thể bé. |
10 nguyên tắc ăn dặm ở trẻ cần lưu ý
1. Đúng thời điểm
Bắt đầu và kết thúc quá trình ăn dặm cần đúng thời điểm, không sớm quá và không muộn quá
Để giai đoạn ăn dặm diễn ra đúng và hiệu quả, các mẹ cần chú ý rằng thời điểm bắt đầu và kết thúc ăn dặm cho trẻ phải chuẩn. Nếu chọn sai thời điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của trẻ. Ăn dặm quá sớm sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhưng nếu ăn dặm quá muộn sẽ khiến trẻ thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển.
Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi được 6 tháng tuổi vì lúc này sữa mẹ không cung cấp đủ năng lượng mà trẻ cần (nhu cầu trẻ cần là 700 kcal/ngày nhưng sữa mẹ chỉ đáp ứng được khoảng 450 kcal/ngày). Ngoài ra, hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ khi đó cũng đã hoàn thiện hơn, có thể hấp thu được thực phẩm thô và tinh bột một cách an toàn.
Nên kết thúc giai đoạn ăn dặm cho trẻ khi 24 tháng tuổi. Không nên kết thúc muộn vì có thể khiến trẻ gặp nhiều rắc rối, chẳng hạn như hạn chế khả năng nhai khiến trẻ khó hòa nhập ở trường lớp vì ăn theo chế độ khác.
☛ Đọc thêm: Nên cho bé ăn tối trong khoảng thời gian nào?
2. Từ ít đến nhiều
Lúc bắt đầu ăn dặm, nên cho trẻ bắt đầu ăn từ một lượng nhỏ, sau đó dần dần mới tăng lên. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều cùng một lúc, ngay cả khi bé thấy ngon miệng và ăn hết lượng đã định.
Tuân thủ nguyên tắc cho bé ăn từ ít đến nhiều giúp con thích nghi từ từ với kết cấu thức ăn vì việc ăn quá nhiều bột có thể khiến hệ tiêu hóa non nớt của con không thích ứng kịp, dễ bị rối loạn.
3. Từ loãng đến đặc
Trước khi ăn dặm trẻ chỉ quen uống (bú) sữa, nên giai đoạn đầu các mẹ cần nấu bột loãng để cho con dễ thích nghi hơn, sau này bé đã quen thì có thể tăng dần độ đặc của bột lên.
Nếu sử dụng bột ăn dặm bán sẵn, mẹ cần pha đúng theo chỉ dẫn trên bao bì. Còn nếu dùng bột tự xay thì nên nấu sao cho hỗn hợp loãng, mịn, sánh như kem là được.
4. Ăn nhiều món khác nhau
Cho trẻ tập ăn nhiều món khác nhau để đa dạng các loại thực phẩm, tăng khả năng nhai. Tùy vào từng mốc thời gian mà các mẹ tham khảo thêm các thực phẩm con có thể ăn. Chẳng hạn, bé 8 tháng tuổi là có thể tập cho ăn thịt và lòng đỏ trứng, 9-12 tháng tuổi có thể cho ăn rau củ quả hầm nhừ, thịt cá luộc xé nhỏ để kích thích khả năng nhai.
Khẩu phần ăn của trẻ nên dành từ 25% – 50% khối lượng là rau xanh, hoa quả, chất đạm và tinh bột, phần còn lại các mẹ có thể cho trẻ ăn bánh quy, váng sữa, sữa chua, phô mai nghiền.
Lưu ý không cho trẻ ăn những loại thức ăn nhỏ như lạc, đậu, nho khô vì chúng dễ gây ghẹn hoặc hóc.
☛ Tham khảo bài viết: 5 loại bột ăn dặm tốt cho trẻ
5. Từ ngọt đến mặn
Khi mới tập cho bé ăn dặm, các mẹ nên cho trẻ ăn bột vị ngọt trước bởi bột ăn ngọt có vị gần giống sữa mẹ, bé sẽ dễ thích nghi hơn. Bột vị ngọt có thể là bột ăn dặm vị ngọt hoặc bột gạo, bột yến mạch nấu cùng rau củ quả không cho gia vị. Sau khi bé đã quen thì mẹ có thể chuyển dần sang vị bột mặn để bé quen với mùi vị mới.
6. Làm quen 1 loại thức ăn trong 3-5 ngày
Cho trẻ làm quen với 1 loại thức ăn trong khoảng 3-5 ngày để xem bé có bị dị ứng với loại thực phẩm đó không. Nếu không có vấn đề gì thì mới tiếp tục cho bé tập sang loại thức ăn khác.
7. Cân đối các nhóm thực phẩm
Khi cho bé ăn dặm, các mẹ phải đảm bảo cân đối đủ 4 nhóm thực phẩm, như vậy mới cung cấp đầy đủ các dưỡng chất giúp bé phát triển toàn diện. 4 nhóm thực phẩm gồm:
- Nhóm đường bột: Ngô, khoai, gạo, bột mì, bánh mì, bún phở…
- Nhóm đạm: Trứng, sữa, cá, tôm, thịt, đậu nành và một số loại đậu khác.
- Nhóm chất béo: Dầu ăn cho bé, các loại hạt có dầu, bơ, phô mai…
- Nhóm vitamin và khoáng chất: Rau củ và trái cây tươi.
Lưu ý: Không nên cho trẻ ăn 1 nhóm thực phẩm nào đó quá nhiều, điều này gây mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Rất nhiều mẹ có suy nghĩ chỉ cần cho con ăn nhiều thịt, trứng, cá mới là tốt, mới là đầy đủ chất. Tuy nhiên, điều này là sai lầm, cung cấp quá nhiều đạm sẽ khiến bé dễ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí dẫn tới biếng ăn.
☛ Xem chi tiết: Bánh ăn dặm cho bé theo từng độ tuổi
8. Không cho muối vào đồ ăn dặm
Tuyệt đối không được cho thêm muối vào đồ ăn dặm cho bé vì nhu cầu muối ở trẻ cần rất ít, với trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần 1,5g muối mỗi ngày và lượng này đã có đủ trong các thực phẩm. Việc cấp thừa muối cho trẻ sẽ rất nguy hiểm, không chỉ gây tổn hại đến thận mà việc tích tụ nhiều natri trong cơ thể còn gây ra các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như cao huyết áp…
9. Dầu ăn rất quan trọng
Nhiều mẹ nghĩ đồ ăn dặm của trẻ không nên cho dầu ăn, có bé ăn dầu ăn là không tốt nhưng thực tế thì không phải vậy, dầu ăn rất dễ tiêu hóa lại cung cấp nhiều hoạt chất giúp trẻ dễ hấp thu vitamin D và canxi tốt hơn. Tuy nhiên, mẹ nên chọn những loại dầu ăn tự nhiên, dành riêng cho trẻ nhỏ thôi nhé.
10. Không ép trẻ ăn
Các mẹ tuyệt đối đừng ép trẻ ăn, việc này có thể phản tác dụng, khiến trẻ sợ hãi dẫn tới sợ ăn, chán ăn. Nếu gặp trường hợp con ăn dặm không hợp tác, mẹ đừng nóng vội, hãy kiên nhẫn tập dần cho con. Nếu con có những phản ứng mạnh như nôn ói, khóc nhiều khi thấy thức ăn, mẹ có thể cho bé dừng ăn vài ngày rồi hẵng cho tập ăn trở lại.
Trên đây là bảng so sánh 3 phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay cùng với những lưu ý quan trọng khi cho con ăn dặm. Các mẹ có thể chọn 1 trong 3 kiểu ăn dặm hoặc kết hợp các kiểu ăn dặm lại với nhau để tạo ra phương pháp phù hợp nhất với con mình. Điều quan trọng nhất vẫn là con ăn ngon và phát triển tốt.