Con chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm cũng là lúc cha mẹ phải lo lắng nhiều thứ, từ việc tìm hiểu thời điểm ăn dặm rồi đến phương pháp ăn dặm, chuẩn bị đồ ăn…. Tuy nhiên, để quá trình ăn dặm đạt kết quả tốt nhất, ngay từ bước đầu tiên là chọn thời điểm cho bé ăn dặm phải đúng và phù hợp. Vậy thời điểm cho bé ăn dặm tốt nhất là khi nào? Chi tiết sẽ được giải đáp ở bài viết sau:
Mục lục
Khi nào nên cho bé ăn dặm?
Thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng và phát triển của từng bé. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, bởi vì:
- Ở thời điểm này trở đi, chỉ dùng sữa mẹ/ sữa công thức đã không còn cung cấp đủ nhu cầu đủ dinh dưỡng và năng lượng hàng ngày cho trẻ.
- Giai đoạn 6 tháng hệ tiêu hóa của trẻ cũng đã phát triển hoàn chỉnh hơn, có thể hấp thu được những thức ăn có kết cấu đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ/ sữa công thức.
Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn vì nếu cho ăn quá sớm (trước 6 tháng hay 26 tuần) hệ tiêu hóa của trẻ lúc này chưa hoàn thiện, chưa thể tiêu hóa và hấp thu được các loại thực phẩm phức tạp, từ đó dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu… Còn nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 6 tháng hay 26 tuần) thì bé có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn vì dinh dưỡng từ sữa mẹ/ sữa công thức ở giai đoạn này không còn đáp ứng đủ so với nhu cầu phát triển của bé.
Ngoài tiêu chí đủ 6 tháng tuổi, thì thời điểm cho bé ăn dặm còn dựa vào một số yếu tố quan trong khác như:
- Bé có khả năng ngồi ổn định một mình, giữ thăng bằng tốt để có thể ăn dặm một cách an toàn.
- Bé dành sự quan tâm và tò mò đối với thức ăn, bé có thể theo dõi thức ăn bằng mắt và cử động tay miệng khi bạn đang ăn.
- Bé không còn phản xạ đẩy lưỡi tự động, nghĩa là bé đã sẵn sàng để tiếp nhận thức ăn rắn và không đẩy thức ăn ra mỗi lần đưa vào miệng.
Các dấu hiệu nhận biết bé sẵn sàng ăn dặm
Bé đã sẵn sàng ăn dặm khi có các dấu hiệu sau:
Bé vẫn thấy đói sau khi bú sữa
Nếu mẹ thấy bé hay đói mặc dù vẫn cho bé bú đủ và no như hàng ngày thì rất có thể đó là dấu hiệu bé muốn ăn thêm, lượng sữa không cung cấp đủ năng lượng cho bé.
Mẹ có thể để ý các dấu hiệu bé muốn ăn thêm như: Há miệng, lè lưỡi, chu môi như muốn bú, hay quay đầu qua bên này bên kia, mút tay hoặc đưa bàn tay vào miệng. Đặc biệt với các trẻ gần 6 tháng tuổi, sẽ hay có tình trạng khóc đòi ăn đêm – đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ đã sẵn sàng ăn dặm.
Bé có thể tự ngồi và giữ đầu thẳng
Một trong những điều kiện cũng như là dấu hiệu cho thấy bé sẵn sàng ăn dặm đó là bé có thể tự ngồi vững, giữ được thăng bằng, kiểm soát tốt đầu và cổ mà không cần sự hỗ trợ từ bố mẹ.
Thường nhào người về phía đồ ăn
Bé thường nhào người về phía đồ ăn khi có cơ hội tiếp xúc, xong sẽ cố gắng dùng tay chụp giữ lại, cho vào miệng. Đây chính là một dấu hiệu nữa cho thấy bé rất hứng thú với đồ ăn, sẵn sàng ăn dặm.
Tuy nhiên, mẹ cũng nên lưu ý, bé cầm thức ăn cho vào miệng không có nghĩa là bé có thể lập tức ăn được đồ ăn rắn, sẽ phải cho bé từ từ làm quen dần, bắt đầu từ loãng đến đặc, từ mềm đến rắn.
Há miệng để nhận thức ăn từ thìa
Thử độ sẵn sàng ăn dặm của bé với chiếc thìa là cách khá hay và thú vị. Các mẹ hãy đưa thìa gần miệng trẻ, nếu thấy bé cố gắng há miệng như kiểu muốn nhận thức ăn từ thìa thay vì phản xạ đẩy muỗng ra thì có nghĩa bé đã sẵn sàng để ăn dặm rồi.
Có phản xạ nuốt, không tự đẩy thìa ra ngoài.
Khi đưa thìa vào miệng, trẻ có phản xạ nuốt vào chứ không tự đẩy thìa ra ngoài thì cũng là một dấu hiệu nhận biết trẻ có thể ăn dặm.
Thể hiện sự thích thú khi được đưa đồ ăn
Ánh mắt của trẻ luôn hướng theo đồ ăn, nhất là lúc nhìn mọi người xung quanh ăn uống. Ánh mắt thể hiện sự nhiệt tình và thèm thuồng, người khác nhìn vào sẽ cảm thấy tội nghiệp bé vì muốn ăn mà không ăn được gì. Mẹ hãy để ý nhé, vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm.
☛ Có thể bạn quan tâm: Tại sao trẻ không chịu ăn dặm chỉ bú mẹ?
Các phương pháp cho bé ăn dặm hiện nay
Hiện nay có 3 phương pháp ăn dặm phổ biến, được nhiều mẹ áp dụng. Các mẹ có thể cho con ăn theo từng phương pháp riêng biệt hoặc kết hợp chúng lại mới nhau để phù hợp với bé nhà mình.
Ăn dặm truyền thống
Ăn dặm truyền thống là phương pháp khá phổ biến tại Việt Nam, được truyền lại từ các đời trước. Với phương pháp này, lúc bắt đầu ăn dặm, trẻ sẽ được ăn bột nấu cùng các loại thịt, cá, tôm, rau củ xay nhuyễn. Khi trẻ lớn hơn, đã bắt đầu mọc răng thì sẽ chuyển qua ăn cháo kết hợp với các thực phẩm khác được xay nát.
Ưu điểm của ăn dặm truyền thống:
- Bé có thể ăn được nhiều ngay từ khi mới tập ăn nên sẽ tăng cân rất nhanh trong giai đoạn đầu ăn dặm.
- Thức ăn được xay nhuyễn hoàn toàn nên thuận lợi cho việc tiêu hóa.
- Chế biến nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
- Dễ nhận được sự đồng thuận từ những người trong gia đình.
Nhược điểm:
- Khó nhận biết được trẻ dị ứng với loại thực phẩm nào vì tất cả đều được xay nhuyễn chung.
- Vì các thực phẩm được trộn lẫn, xay nhuyễn với nhau nên trẻ sẽ nhanh chán, dễ bị biếng ăn.
- Chú trọng nhiều đến lượng thức ăn đưa vào cơ thể bé, có thể khiến bé bị thừa cân, thậm chí gây rối loạn tiêu hóa.
- Thức ăn được xay nhuyễn hoàn toàn nên hạn chế khả năng ăn thô, nhai, nuốt của trẻ.
Ăn dặm kiểu Nhật
Đây là phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ Nhật Bản, trẻ sẽ được ăn cháo cùng các loại đồ ăn được lọc/ nghiền qua rây chứ không sử dụng bột xay nhuyễn như ăn dặm truyền thống. Đồ ăn sẽ được chế biến riêng từng loại để bé có thể cảm nhận được mùi vị riêng biệt của từng món ăn. Độ thô của thức ăn sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Ưu điểm:
- Trẻ được khám phá, làm quen với từng vị riêng biệt của thức ăn, tạo nên sự hứng thú khi ăn uống.
- Dễ dàng nhận biết được con dị ứng với loại thực phẩm nào.
- Nâng cao khả năng ăn thô, tạo phản xạ nhai nuốt tốt cho bé.
- Món ăn đa dạng, đầy đủ nhóm chất, được thay đổi liên tục, phù hợp từng giai đoạn khác nhau.
- Thức ăn có thể chế biến một lần và trữ đông dùng cho các lần sau giúp tiết kiệm thời gian.
Nhược điểm:
- Bé không ăn được nhiều như ăn dặm truyền thống nên giai đoạn đầu không tăng cân mạnh.
- Tốn khá nhiều thời gian và công sức để chế biến riêng từng loại đồ ăn.
- Đồ ăn trữ đông chắc chắn sẽ không thể thơm ngon như đồ tươi sống.
- Mất thời gian và công sức để dạy bé ngồi ăn ngay ngắn và tập cầm thìa.
- Vấp phải sự phản đối của người lớn trong gia đình.
☛ Đọc thêm: Thực đơn 30 ngày ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm tự chỉ huy
Là phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Ăn dặm kiểu này trẻ sẽ được tập ăn thô từ sớm với những loại đồ ăn tương tự như trong bữa ăn gia đình. Thức ăn sẽ được thái miếng vừa, bé có thể tự cầm đút vào miệng, độ mềm của thức ăn cũng vừa phải, không quy định khắt khe như ăn dặm kiểu Nhật
Với phương pháp này, trẻ sẽ tự lập hơn trong việc ăn uống, được quyết định ăn món gì và ăn với lượng bao nhiêu. Mục tiêu của ăn dặm tự chỉ huy là giúp bé làm quen với các loại thức ăn, tập nhai, nuốt chứ không quá chú trọng tới việc bé ăn được bao nhiêu.
☛ Chi tiết: Ăn dặm chỉ huy và những điều cần biết!
Ưu điểm:
- Bé rèn luyện được tính tự lập cao trong ăn uống.
- Có phản xạ nhai, nuốt tốt hơn.
- Được khám phá đa dạng mùi vị và kết cấu của đồ ăn.
- Tạo sự hứng thú trong ăn uống.
- Mẹ không mất nhiều công suy nghĩ và chế biến món ăn cho bé vì đồ ăn của bé cũng tương tự như đồ ăn của người lớn chỉ là dạng mềm hơn chút.
Nhược điểm:
- Lượng thức ăn trẻ đưa vào cơ thể không được nhiều.
- Lúc mới đầu, trẻ có thể cầm, ném, bóp nát đồ ăn rồi vứt đi khiến việc dọn dẹp khá vất vả.
- Trẻ dễ bị hóc vì đồ ăn ở dạng miếng, độ thô cao hơn.
- Với trẻ 5-6 tháng, việc áp dụng phương pháp này rất khó thành công.
- Mẹ sẽ phải chịu áp lực tâm lý lớn từ chính bản thân và gia đình.
☛ Xem đầy đủ: So sánh 3 kiểu ăn dặm phổ biến nhất hiện nay
Những lưu ý dành cho mẹ khi bé ăn dặm
Chuẩn bị tinh thần
Khi cho bé ăn dặm, mẹ cần chuẩn bị một tinh thần tốt và tạo môi trường thuận lợi để trẻ tiếp nhận các loại thức ăn mới. Đây là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, vì vậy mẹ có thể tham gia tích cực để cho con được trải nghiệm tốt nhất.
Đầu tiên, mẹ nên tìm hiểu về ăn dặm bằng cách đọc sách, hỏi kinh nghiệm những người đi trước, tìm hiểu thông tin từ các nguồn đáng tin cậy hoặc tham gia các khóa học liên quan… Điều này sẽ giúp mẹ tự tin hơn và có kiến thức để áp dụng cho con của mình.
Thứ hai, mẹ cần phải thật kiên nhẫn, kiên trì, giữ tinh thần tích cực, không đặt áp lực quá nhiều lên bản thân và con. Vì bé có thể không chấp nhận thức ăn mới ngay lập tức mà có thể có những phản ứng bất ngờ hoặc từ chối. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn bình thường, việc thay đổi chế độ ăn cho con là cả một quá trình dài, không thể nóng vội, mẹ cần thử nghiệm nhiều loại thức ăn khác nhau và cho con thời gian để quen dần với từng món.
Thứ ba, cần tạo một môi trường ăn uống thoải mái và an toàn cho con. Đồ dùng và thực phẩm cho bé ăn phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn, không ẩn chứa nguy cơ ngộ độc. Ngoài ra, hãy biến bữa ăn thành một trò chơi hay trải nghiệm thú vị để tạo hứng thú, kích thích con ăn uống.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng mỗi trẻ có quá trình ăn dặm riêng của mình và mẹ cần linh hoạt và kiên nhẫn. Luôn lắng nghe cơ thể và phản ứng của con, tạo điều kiện tốt nhất cho con để khám phá và phát triển sở thích ăn uống lành mạnh.
Dụng cụ khi cho bé ăn dặm
Khi chuẩn bị cho bé ăn dặm, mẹ cần chuẩn bị một số dụng cụ cơ bản để giúp quá trình này diễn ra thuận lợi. Dưới đây là những dụng cụ cơ bản:
- Ghế ăn dặm: Nên chọn một chiếc ghế ăn dặm an toàn và thoải mái cho bé. Ghế nên có dây đai an toàn để giữ bé ở vị trí ngồi. Nếu không có ghế ăn dặm, bạn cũng có thể sử dụng ghế cao hoặc ghế bập bênh được thiết kế cho bé.
- Yếm ăn dặm: Chọn loại yếm có kích thước phù hợp với bé, chất liệu an toàn, thiết kế tiện dụng, có thể dễ dàng làm sạch.
- Muỗng và đũa: Mua một bộ muỗng và đũa dành riêng cho bé. Chọn những dụng cụ nhẹ nhàng và có kích thước phù hợp với miệng của bé. Có thể lựa chọn các muỗng và đũa bằng silicone hoặc nhựa an toàn cho bé.
- Chén đĩa: Chọn chén và đĩa với kích thước nhỏ và dễ cầm cho bé. Mẹ nên chọn chén đĩa bằng những chất liệu như nhựa, silicone, thép không gỉ hoặc thủy tinh cường lực an toàn cho bé.
- Khay ăn dặm: Mẹ có thể chuẩn bị thêm khay ăn dặm để đựng thực phẩm cho bé. Nên chọn loại khay có ngăn riêng biệt để phân chia các loại thực phẩm khác nhau.
- Bình nước: Nếu bạn định cho bé uống nước hoặc nước ép cùng với việc ăn dặm, hãy chuẩn bị một bình nước bé có núm vặn hoặc ống hút để bé dễ dàng uống.
- Khăn ăn: Sử dụng khăn ăn để lau sạch miệng bé trong quá trình ăn dặm. Chọn những khăn ăn mềm mại và dễ giặt.
Nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm
Khi cho bé ăn dặm, có một số nguyên tắc cơ bản mà các mẹ nên tuân thủ để đảm bảo quá trình này diễn ra an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất. Cụ thể:
– Đúng thời điểm: Chỉ bắt đầu ăn dặm khi bé đủ 6 tháng tuổi. Vì đây là lứa tuổi mà hệ tiêu hóa của bé đã sẵn sàng để tiếp nhận thực phẩm rắn và cơ thể bé cũng cần bổ sung thêm dưỡng chất. Không nên cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn.
– Từ lỏng đến đặc: Dạ dày trẻ từ trước đến nay chỉ quen hấp thụ sữa, do đó nếu cho bé ăn thức ăn đặc ngay lập tức sẽ khiến bé không kịp thích nghi. Thay vì vậy, hãy cho bé ăn các món lỏng trước, sau đó tăng dần độ đặc của thức ăn. Việc điều chỉnh từ lỏng đến đặc giúp bé thích nghi dần với cấu trúc và độ nhão của thức ăn mới.
– Từ ngọt đến mặn: Giai đoạn đầu nên cho bé ăn dặm bột vị ngọt vì lúc này bé còn đang quen với vị ngọt của sữa mẹ nên ăn dặm vị ngọt giúp dễ thích nghi hơn. Sau một thời gian khi đã quen thì chuyển sang vị mặn để đa dạng mùi vị.
– Từ ít đến nhiều: Không phải cứ cho trẻ ăn càng nhiều ngay từ đầu là càng tốt. Trẻ cần được ăn dặm một cách khoa học, hợp lý. Đặc biệt là nên ăn từ ít đến nhiều để bộ máy tiêu hóa còn non nớt của bé không bị quá tải, đồng thời tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.
– Đa dạng thực phẩm: Trong quá trình ăn dặm, cần đảm bảo bé được tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm khác nhau để phát triển khẩu vị và cung cấp đa dạng dưỡng chất.
– Không ép ăn: Không ép bé ăn nhiều hơn hoặc cố gắng khiến bé ăn hết mọi thức ăn trên đĩa. Hãy để bé tự quyết định lượng thức ăn mà bé cần. Việc ép ăn có thể tạo tâm lý sợ hãi, chán ăn, biếng ăn ở trẻ.
Trên đây là những thông tin về thời điểm cho bé ăn dặm tốt nhất cũng như những lưu ý để quá trình ăn dặm đạt hiệu quả tối ưu. Hi vọng qua đây các mẹ đã bổ sung thêm được phần nào kiến thức giúp chăm sóc bé tốt hơn, giúp con khoẻ mạnh, phát triển toàn diện.
☛ Tin liên quan: Nên cho bé ăn trước ngủ bao lâu để tiêu hóa tốt?