Cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi như thế nào cho đúng? luôn là nỗi băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ khi có con nhỏ trong độ tuổi này. Để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và nhanh lớn, cha mẹ có thể tham khảo những kinh nghiệm chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi dưới đây.
Mục lục
Sự phát triển của trẻ giai đoạn 4 tháng tuổi
Bước sang tháng thứ 4, em bé của bạn đã có sự phát triển vượt trội về cả thể chất và các giác quan, cảm xúc. Để biết cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi đúng cách, trước hết cha mẹ cần hiểu rõ về sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này. Cụ thể:
Về thể chất
Hầu hết trẻ ở giai đoạn 4 tháng tuổi sẽ có trọng lượng tăng gấp đôi so với khi mới chào đời. Trung bình mỗi tháng trẻ sẽ tăng từ 400-600g, hệ xương khớp cũng phát triển nhanh chóng giúp trẻ cứng cáp hơn. Trong giai đoạn này, trẻ cũng cao thêm khoảng 5cm mỗi tháng và tăng thêm 2,5cm chu vi vòng đầu.

Về khả năng vận động
Do sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống xương khớp, vùng đầu và cổ của trẻ đã dần trở nên cứng cáp hơn giúp trẻ có thể cân bằng được vùng thân – cổ – đầu. Bé có thể nâng vùng đầu, cổ và ngực lên khỏi mặt đất bằng đôi tay của mình, dần dần chúng sẽ học được cách lẫy và bò. Ngoài ra, khả năng vận động tay của trẻ cũng linh hoạt hơn nhiều. Trẻ đã có thể làm chủ được đôi tay và vươn lấy bất cứ thứ gì trong tầm với.
Về ngôn ngữ và giao tiếp
Phần lớn trẻ trong giai đoạn này giao tiếp với mọi người xung quanh bằng cách khóc và cười. Chúng cũng có thể “trò chuyện” với mọi người xung quanh bằng cách phát ra những âm ngắn như “ô”, “a”,… Cha mẹ có thể thấy trẻ bộc lộ nhiều cảm xúc trên khuôn mặt bằng những nụ cười rạng rỡ, hoặc nhăn nhó giận giữ, có thể là há miệng thể hiện sự ngạc nhiên,…
Sự phát triển của các giác quan
Ở giai đoạn 4 tháng tuổi, cả năm giác quan của trẻ đều phát triển nhạy bén hơn, giúp em bé có thể thỏa thích khám phá những điều mới lạ. Ở giai đoạn này, trẻ đã có thể nhận biết một chút về các màu như đỏ, xanh, vàng, vì vậy trẻ có xu hướng thích 3 màu này hơn so với các màu khác. Trẻ cũng có thể nhìn theo và bắt lấy đồ vật trước mặt.
Về nhận thức

Trong giai đoạn này, trẻ đã có sự phát triển đáng kể về nhận thức. Em bé có thể tìm được những đồ vật được giấu, vươn tay với lấy đồ vật xung quanh và cho chúng vào miệng. Do vậy, khi chăm sóc trẻ trong giai đoạn này, cha mẹ cần lưu ý hết sức đến sự an toàn của trẻ, tránh để chúng bị sặc hay nghẹn do nuốt phải vật lạ.
Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ 4 tháng tuổi
Một số vấn đề sức khỏe có thể xuất hiện ở trẻ trong giai đoạn 4 tháng tuổi là:
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ 4 tháng tuổi
Bước sang tháng thứ 4, hiện tượng rối loạn giấc ngủ có thể xảy ra ở một số trẻ. Trẻ thường khó đi vào giấc ngủ, ngủ nhiều vào ban ngày và thức vào ban đêm, ngủ quá nhiều hoặc quá ít,… Ngoài ra, một số trường hợp trẻ thường ngủ không sâu giấc và hay giật mình. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và thói quen ngủ hàng ngày của bé. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng như trẻ chậm lớn, chậm phát triển chiều cao, rối loạn cảm xúc,…
Trẻ 4 tháng tuổi biếng ăn, biếng bú

Trẻ 4 tháng tuổi biếng ăn hay biếng bú thường bắt nguồn từ nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nếu trẻ không có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu hay ốm sốt, mà bỗng dưng trở nên bú ít, biếng bú thì nguyên nhân thường do sinh lý. Đây là giai đoạn bé tập làm quen với kỹ năng mới như tập lẫy, tập lật người khám phá thế giới xung quanh. Điều này vô tình khiến trẻ trở nên xao nhãng với việc bú mẹ. Nhưng mẹ có thể yên tâm vì bé sẽ sớm ăn uống bình thường sau khi đã thích nghi với những thay đổi mới.
Bé 4 tháng bị sốt
Sốt là hiện tượng cơ thể trẻ có nhiệt độ trên 37,5 độ C. Bên cạnh tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao, trẻ còn có biểu hiện da nóng, đỏ, nhịp thở tăng, thở ra hơi nóng, ngủ li bì, quấy khóc,… Nguyên nhân bé 4 tháng bị sốt có thể là do nhiễm virus, vi khuẩn,… mẹ cần hết sức lưu ý tránh để sốt quá cao hoặc kéo dài vì có thể gây co giật rất nguy hiểm.
Trẻ 4 tháng bị ho, sổ mũi
Trẻ 4 tháng dễ gặp các vấn đề về hô hấp như ho, sổ mũi, viêm họng,… do sức đề kháng còn non yếu dễ bị tác động bởi các yếu tố gây bệnh bên ngoài như thay đổi thời tiết, môi trường ô nhiễm, vi khuẩn, virus,…

Trẻ 4 tháng bị táo bón, tiêu chảy
Giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ 4 tháng tuổi vẫn chưa phát triển toàn diện. Do vậy, trẻ dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón,… Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do trẻ không hấp thu được một số chất dinh dưỡng trong sữa mẹ, trẻ bị viêm đường tiêu hóa, trẻ dùng sữa công thức có hàm lượng dinh dưỡng quá cao,…
☛ Tìm thiểu thêm: Nguyên nhân trẻ tiêu hóa kém?
Chia sẻ cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi cơ bản
Chăm sóc dinh dưỡng
Dinh dưỡng tốt nhất dành cho trẻ trong 6 tháng đầu đời chính là sữa mẹ. Trong sữa mẹ có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho bé tăng trưởng và phát triển cả về thể chất, trí tuệ. Sữa mẹ cũng cung cấp các kháng thể giúp củng cố hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật.

Ở giai đoạn 4 tháng tuổi, nhu cầu sữa trung bình một ngày của bé là khoảng 1000ml. Mẹ có thể chia làm nhiều cữ bú trong ngày tùy theo nhu cầu của con. Để có nguồn sữa đảm bảo dinh dưỡng trọn vẹn nhất, mẹ cũng nên chú ý chế độ dinh dưỡng của bản thân bằng cách xây dựng thực đơn phù hợp, đủ chất, giàu năng lượng.
Trong một số trường hợp, có thể trẻ cần kết hợp với sử dụng sữa công thức trong giai đoạn 4 tháng tuổi. Cha mẹ nên lưu ý chọn sữa phù hợp độ tuổi của bé và pha sữa đúng công thức để giúp bé hấp thu các dưỡng chất tối ưu nhất.
Chăm sóc giấc ngủ
Trẻ 4 tháng tuổi cần ngủ từ 14-16 tiếng mỗi ngày. Trẻ thường có giấc ngủ ban đêm dài và sâu, có thể kéo dài từ 7-8 tiếng giúp mẹ có một giấc ngủ trọn vẹn. Ngoài ra, trẻ cũng có thêm 2 giấc ngủ ngắn vào ban ngày.
Giai đoạn này, trẻ thường hoạt động nhiều hơn nên thường khó vào giấc ngủ buổi đêm. Để giúp bé ngủ ngon giấc, cha mẹ nên tạo cho bé không gian ngủ phù hợp, tập cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ giấc. Đặc biệt là vào ban đêm, cha mẹ nên giữ cho phòng ngủ của bé đủ yên tĩnh, đủ tối và không đánh thức cho trẻ ăn giữa đêm. Nếu bé giật mình tỉnh giấc, mẹ có thể chờ khoảng 30 giây rồi mới dỗ dành bé, điều đó sẽ giúp cho con tập thói quen tự ngủ lại.
☛ Xem đầy đủ: Trẻ biếng ăn ngủ không sâu giấc cần làm gì?
Trò chuyện và chơi đùa với trẻ

Trò chuyện, chơi đùa và tương tác với trẻ là biện pháp hiệu quả giúp trẻ phát triển trí tuệ và khả năng ngôn ngữ sau này. Một số trò chơi mẹ có thể chơi cùng bé là:
- Nói chuyện với bé, chờ đợi câu trả lời, dù chỉ là tiếng “ô”, “ê”, “a”,… của trẻ.
- Gọi tên đồ vật xung quanh, chọn những tên ngắn gọn và đơn giản nhất, lặp lại nhiều lần cho bé ghi nhớ.
- Đọc sách, hát cho bé nghe.
- Để đồ chơi yêu thích của bé lên cao, bé sẽ vươn tay để lấy đồ chơi.
Giữ an toàn cho trẻ
Trẻ 4 tháng tuổi khám phá thế giới bằng cách vươn tay lấy mọi thứ xung quanh và cho vào trong miệng. Do vậy, cha mẹ cần hết sức chú ý cảnh giác, tránh để các đồ vật nhỏ trong tầm với của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lưu ý vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cơ thể trẻ thường xuyên giúp ngăn ngừa sự tấn công của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, vi nấm,…
Tắm cho trẻ
Mặc dù việc tắm cho trẻ đã trở nên quá quen thuộc đối với các bậc cha mẹ, nhưng đối với trẻ 4 tháng tuổi, trẻ đã có nhiều sự thay đổi. Chúng đã hiếu động hơn, cứng cáp hơn giai đoạn trước rất nhiều. Mẹ vẫn nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, có thể cho trẻ tắm ngồi khoảng 10-15 phút tuy nhiên cần đỡ phần lưng tránh để trẻ ngã.
Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý vệ sinh các bộ phận như mắt, mũi, miệng, chân tay của trẻ thật kỹ để loại bỏ các vi khuẩn và bụi bẩn bám trên da.
Tiêm phòng đầy đủ

Trẻ 4 tháng tuổi có thể cần tiêm phòng một số mũi như tiêm phòng viêm gan mũi thứ 3, bạch hầu – uốn ván – ho gà mũi 3, vắc xin bại liệt mũi 3,… Cha mẹ cần chú ý lịch tiêm phòng cho bé để giúp bé có hàng rào bảo vệ tốt nhất, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Theo dõi sức khỏe của trẻ
Giai đoạn 4 tháng tuổi, hàng rào miễn dịch của trẻ còn non yếu nên dễ bị cảm lạnh hay nhiễm khuẩn. Dù cha mẹ có bảo vệ trẻ kỹ đến mấy, chúng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Do vậy, khi xuất hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và điều trị phù hợp nhất.
Trên đây là những chia sẻ về cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi. Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, cha mẹ cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có kế hoạch chăm sóc nuôi dạy trẻ, giúp bé yêu phát triển tốt nhất.